Cha mẹ chúng tôi mất không để lại di chúc, nhưng có để lại di sản gồm nhà cửa, đất đai. Ông bà nội, ngoại của chúng tôi cũng không còn.
Cha mẹ chúng tôi mất không để lại di chúc, nhưng có để lại di sản gồm nhà cửa, đất đai. Ông bà nội, ngoại của chúng tôi cũng không còn. Từ khi cha mẹ mất, anh chị em ruột của chúng tôi thỏa thuận để người em út (là người ở chung với cha mẹ) được thừa hưởng toàn bộ di sản. Hiện nay, có người cháu gọi cha chúng tôi bằng ông chú (cha chúng tôi là em ruột của ông nội người đó) đòi chia di sản thừa kế của cha mẹ chúng tôi để lại. Chúng tôi rất buồn vì trong anh em ruột thịt không ai đòi hưởng di sản, chỉ có người cháu lại đòi hưởng di sản thừa kế. Người này còn nhấn mạnh, nếu anh em chúng tôi không chia lại tài sản thì họ sẽ kiện. Xin hỏi: Người cháu như đã nêu trên có được hưởng di sản thừa kế của cha mẹ chúng tôi không?
Trần Văn Chính (TX. Long Khánh)
Người thừa kế theo pháp luật bao gồm:
- Hàng thừa kế thứ nhất, gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
- Hàng thừa kế thứ hai, gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
- Hàng thừa kế thứ ba, gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Như vậy, theo quy định trên đây thì anh chị em ruột của bạn là những người thừa kế ở hàng thứ nhất (con đẻ của người chết). Nếu những người ở hàng thừa kế thứ nhất còn thì những người ở hàng thừa kế khác không được quyền khởi kiện thừa kế. Người cháu gọi cha của các bạn bằng ông chú không thuộc hàng thừa kế nào cả. Tất nhiên là không có quyền khởi kiện.
Cần trao đổi thêm, bạn vui lòng liên hệ ĐT: 0913.755.442 để gặp luật sư. Chúc các bạn gặp may mắn.
LS. Nguyễn Đức