Ngày 29-10-2010, tại khu vực Bến Cát - Bình Dương, con tôi là Nguyễn Hoàng Thi cùng người bạn đang đi xe gắn máy trên đường về nhà, thì bất ngờ bị nhóm thanh niên lạ mặt khoảng 4 - 5 người chặn đầu xe của con tôi và yêu cầu dừng lại...
Nguyễn Thị Ba (xã Bạch Đằng, huyện Tân Uyên, Bình Dương)
Ngày 29-10-2010, tại khu vực Bến Cát - Bình Dương, con tôi là Nguyễn Hoàng Thi cùng người bạn đang đi xe gắn máy trên đường về nhà, thì bất ngờ bị nhóm thanh niên lạ mặt khoảng 4 - 5 người chặn đầu xe của con tôi và yêu cầu dừng lại. Thấy nhóm người có hành vi hung hăng, sợ bị đánh nên con tôi bảo bạn chạy đi. Lập tức cả nhóm thanh niên đó đuổi theo đến ngã tư Suối Cát thì chúng đuổi kịp và dùng mũ bảo hiểm xông vào tấn công con tôi và người bạn của con tôi. Con tôi cùng người bạn lên xe chạy tiếp, nhóm thanh niên tiếp tục đuổi theo. Lúc này có một thanh niên trong nhóm đã vượt lên ép xe con tôi. Trong tình thế cấp bách đó và cũng là để tự bảo vệ nên con tôi đã lựa chọn giải pháp duy nhất là co chân đạp vào xe của thanh niên đã từng đuổi theo đánh và ép xe con tôi. Hậu quả, người này bị đạp xe mất tay lái, ngã xuống đường, sau đó tử vong.
Hiện con tôi đang bị cơ quan Công an tạm giữ, người bạn con tôi thì không bị bắt. Gia đình tôi rất lo lắng không biết con tôi phạm tội gì?
Xin đề nghị chuyên mục luật sư của bạn tư vấn và trả lời giúp gia đình chúng tôi. Xin cảm ơn.
Nguyễn Thị Ba (xã Bạch Đằng, huyện Tân Uyên, Bình Dương)
Theo thông tin bà cung cấp về hành vi của con bà, nếu đúng như vậy thì con bà có thể phạm vào tội "giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng" được quy định tại Điều 96 - Bộ luật Hình sự. Điều 96 - khoản 1 quy định: "người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm".
Hoặc có thể hành vi của con bà được xác định là "phòng vệ chính đáng" theo quy định tại Điều 15 - Bộ luật Hình sự - Điều 15 quy định: "phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà chống trả một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên". Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm (Điều 15 - Bộ luật Hình sự)
Việc xác định cụ thể chính xác con bà phạm tội gì còn phụ thuộc vào các chứng cứ khác liên quan và kết luận của cơ quan Điều tra.
Nếu có điều kiện, mời bà đến VPLS để chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn, qua đó việc tư vấn mới cụ thể và chính xác được.
Chúc bà gặp may mắn.
LS. Nguyễn Đức