Báo Đồng Nai điện tử
En

Học và hành

10:11, 16/11/2015

Năm 490, nhà Tề đô hộ nước ta, cử quan Thứ sử là Phòng Pháp Thặng sang cai trị. Phòng Pháp Thặng chỉ mê đọc sách, thường vờ cáo bệnh, không chịu ra làm việc. Quan Trưởng sử là Phục Đăng Chi nhân đó tìm cách chuyên quyền, thay đổi cả quan tướng trong phủ mà Phòng Pháp Thặng cũng không hề hay biết.

Năm 490, nhà Tề đô hộ nước ta, cử quan Thứ sử là Phòng Pháp Thặng sang cai trị. Phòng Pháp Thặng chỉ mê đọc sách, thường vờ cáo bệnh, không chịu ra làm việc. Quan Trưởng sử là Phục Đăng Chi nhân đó tìm cách chuyên quyền, thay đổi cả quan tướng trong phủ mà Phòng Pháp Thặng cũng không hề hay biết. Phục Đăng Chi đem quân đánh úp phủ Thứ sử, bắt được Phòng Pháp Thặng. Sau đó hắn tâu với vua nhà Tề rằng Phòng Pháp Thặng bị bệnh, không thể nào làm việc được. Vua Tề bèn cho Phục Đăng Chi làm Thứ sử. Phòng Pháp Thặng trở về quê, giữa đường thì mất.

Từ trước đến nay, xã hội nào muốn tiến bộ cũng cổ vũ cho văn hóa đọc. Nghe chuyện Phòng Pháp Thặng vì mê đọc sách mà thân bại danh liệt, ắt hẳn chẳng ai còn muốn đọc sách nữa. Nhưng xét cho đúng, đọc sách là để học hỏi điều hay, nhận biết đúng sai, nâng cao trí tuệ, hiểu biết để từ đó ứng dụng trong đời sống, chứ cầm sách mà chỉ biết đọc như Phòng Pháp Thặng thì có khác gì mọt sách? Ở phương Đông, Khổng tử dạy: “Học nhi thời tập chi”, “Ôn cố nhi tri tân, khả dĩ vi sư hỹ”, học phải năng luyện tập theo những điều đã học, người nào ôn lại những điều đã học, do đó mà biết thêm những điều mới thì có thể làm thầy thiên hạ. Còn ở phương Tây, nhà thơ J.W.Goethe cũng ví von việc đưa kiến thức ứng dụng vào thực tiễn: “Mọi lý thuyết đều là màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi”. Vậy, cứ nên đọc sách, đem những điều học hỏi phụng sự giúp đời, đừng như Phòng Pháp Thặng.

Trực Tử

Tin xem nhiều