Báo Đồng Nai điện tử
En

Hô biến

10:10, 16/10/2015

Tích cũ có câu chuyện "hô biến" của người thành của mình. Anh nọ vì thương tình người hàng xóm bơ vơ nên cưu mang, cho ở đậu trong nhà mình.

Tích cũ có câu chuyện “hô biến” của người thành của mình. Anh nọ vì thương tình người hàng xóm bơ vơ nên cưu mang, cho ở đậu trong nhà mình. Kẻ ở đậu lại tư tâm, quyết tình chiếm đoạt ngôi nhà nên thường xuyên dò xét, để ý đến. Một thời gian sau, kẻ ở đậu làm đơn gởi lên quan, nói ngôi nhà là của mình, còn anh kia là kẻ ở nhờ rồi muốn chiếm đoạt, đuổi mãi không đi nên nhờ quan phân xử.

Quan kêu cả hai lên, hỏi về kết cấu của ngôi nhà. Trong khi anh chủ nhà lúng túng thì kẻ ở đậu lại kể vanh vách, nào là mái trước có mấy cây đòn dông, mái sau bao nhiêu tấm ngói, nhà lớn dài bao nhiêu bước chân, nhà kho rộng mấy sải tay. Thế là quan phán ngôi nhà thuộc về kẻ ở đậu.

Uất ức, anh chủ nhà kiện lên tới vua. Sau khi suy nghĩ, vua kêu cả hai đến hỏi: “Các ngươi đã kể rất rõ ràng về phần trên của ngôi nhà, nhưng giờ ta muốn biết phần dưới của ngôi nhà”. Kẻ ở đậu liến thoắng: “Tâu đức vua, phần dưới ngôi nhà bình thường, không có gì lạ”.  Anh chủ nhà chợt nhớ ra: “Tâu đức vua, lúc xây nhà vì phía sau là một cái ao bị lấp, nền không vững nên thợ xây có kê phía dưới cây cột một tảng đá xanh. Trong cả dàn cột, chỉ có duy nhất cây cột này có kê đá ạ”. Vua cho đào lên, quả đúng như lời chủ nhà. Tất nhiên, căn nhà được trả lại chính chủ, còn kẻ gian dối, lật lọng thì bị trừng trị.

Ở đời, cũng có những kẻ hàng xóm tham lam, tìm mọi cách chiếm đoạt tài sản của người khác như vậy. Một khi đã có dã tâm, ắt hẳn sẽ bày trăm mưu nghìn kế, hôm nay xây dựng nhà cửa, ngày mai thiết kế công trình trên đất đai chiếm đoạt nhằm “hô biến” của người thành của mình. Nhưng trên đời cũng luôn tồn tại hai chữ công lý và công đạo, không chỉ trong lòng người mà còn ở luật pháp. Chờ xem!

Trực Tử

 

Tin xem nhiều