Theo truyền thuyết xa xưa, ở cuối Biển Đông có 10 con quạ vàng vâng lệnh Thượng Đế thay nhau ngày ngày hóa thành mặt trời ban ánh sáng cho trái đất. Bất ngờ, một hôm 10 con quạ vàng tranh nhau xuất hiện một lượt. Thế là nắng như lửa thiêu, đốt cháy cả vạn vật khiến cho người dân điêu đứng.
Theo truyền thuyết xa xưa, ở cuối Biển Đông có 10 con quạ vàng vâng lệnh Thượng Đế thay nhau ngày ngày hóa thành mặt trời ban ánh sáng cho trái đất. Bất ngờ, một hôm 10 con quạ vàng tranh nhau xuất hiện một lượt. Thế là nắng như lửa thiêu, đốt cháy cả vạn vật khiến cho người dân điêu đứng.
Có vị anh hùng tên Hậu Nghệ, võ nghệ phi thường lại giỏi nghề kỵ xạ. Chàng muốn giúp dân, bắn hạ quạ vàng nhưng khổ nỗi cung tên bình thường không thể bắn tới. Một cụ già xuất hiện, tặng chàng tên thần, còn cho Linh chi thảo có thể trường sinh bất lão. Hậu Nghệ giương cung lần lượt bắn hạ 9 con quạ vàng, chỉ để lại một mặt trời. Nhân dân nhờ đó có cuộc sống ấm no trở lại nên tôn chàng làm vua. Chẳng ngờ, sau này Hậu Nghệ ỷ tài sinh kiêu căng, xem dân như tôi mọi, bóc lột của dân đến tận xương tủy khiến khắp nơi oán hận nổi lên chống lại, Hậu Nghệ lại dùng bạo lực trấn áp. Hậu Nghệ tuy giỏi nhưng sao chống lại số đông, thua trận bỏ chạy. Cụ già năm xưa hiện ra, nói:
- Ngày trước hạnh ngộ, già có nhắn nhủ cố nhân việc trị đời không khó. Phải thực hành nhân chính, quên mình để lo cho người. Phải lo trước người lo và chỉ vui sau khi người vui. Dân quý nhứt, nước thứ nhì, vua sau hết. Cố nhân sẵn sàng vâng nghe, nên già thể theo lời yêu cầu tha thiết của cố nhân là muốn sống mãi để hoàn thành sự nghiệp, vì đời sống con người thì hữu hạn mà sự nghiệp thì vô cùng, mới cho Linh chi thảo. Vậy mà khi nắm quyền lực, cố nhân lại quên mất lời. Dân không sợ chết, sao lấy sự chết chóc trị thiên hạ? Bao nhiêu năm trời loạn lạc đau thương, giờ đây lòng người ly tán, sự nghiệp tan hoang, cố nhân còn chưa tỉnh hay sao?
Hậu Nghệ thất trận, tự sát.
Câu chuyện Hậu Nghệ là một trong vô vàn bài học về ứng xử với nhân dân trong lịch sử nhân loại từ xưa đến nay. Dân như nước, có thể đẩy thuyền nhưng cũng có thể làm lật thuyền. Bác Hồ cũng từng khái quát quan niệm này trong lời dặn: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Có những bài học không bao giờ cũ là vậy.
Trực Tử