Bá Di và Thúc Tề là con vua nước Cô Trúc, chư hầu của vua Trụ đời nhà Thương. Khi cha mất, hai anh em đều nhường ngôi cho nhau, sau đó cùng bỏ đi.
Bá Di và Thúc Tề là con vua nước Cô Trúc, chư hầu của vua Trụ đời nhà Thương. Khi cha mất, hai anh em đều nhường ngôi cho nhau, sau đó cùng bỏ đi. Lúc Tây Bá hầu Cơ Xương bị vua Trụ giết, con là Cơ Phát lên thay, mang quân đánh vua Trụ. Bá Di và Thúc Tề đến trước ngựa của Cơ Phát can gián. Cơ Phát không nghe. Vua Trụ tàn bạo, mất lòng người nên bị đại bại ở trận Mục Dã, tự thiêu mà chết. Cơ Phát lên ngôi, lập ra nhà Châu, tức là Châu Võ Vương, các chư hầu đều quy thuận. Riêng Bá Di và Thúc Tề cho rằng Châu Võ Vương “lấy bạo đổi bạo chừ có hay chi”, bèn thề không ăn thóc nhà Châu, cùng nhau lên núi Thú Dương dựng lều tranh để ở, hái rau vi ăn qua bữa. Có người nói: “Nay thiên hạ đều thuộc về nhà Châu. Núi Thú Dương cũng của nhà Châu, rau vi cũng của nhà Châu”. Bá Di, Thúc Tề bèn nhịn đói mà chết.
Không tham quyền lực, tránh xa bạo lực, dũng cảm can gián, giữ cuộc sống thanh cao, “ninh thọ tử bất ninh thọ nhục”, Bá Di, Thúc Tề quả là bậc hiền nhân. Nhưng ngày nay, học theo Bá Di, Thúc Tề thật là không dễ. Vào rừng núi dựng nhà để ở mà không có giấy chứng nhận chủ quyền đất ở, nhà ở thì không xong, có khi còn vi phạm các quy định về quản lý rừng, có thể bị khép tội hình sự như chơi. Hơn nữa, con người sinh ra, đã “sống” thì phải “động”, giúp ích cho đời, cho người. Có người chọn cách sống bình an cho riêng mình, nhưng cũng có người lại chọn lối sống dấn thân, “một người vì mọi người”. Trong cuộc sống, chọn cách ứng xử thế nào là tùy thuộc vào tâm thế và quyền của mỗi người, nhưng bỗng chợt nhớ đến câu nói của Pavel Korchagin trong Thép đã tôi thế đấy: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí”...
Trực Tử