Báo Đồng Nai điện tử
En

Khoan thư sức dân

11:09, 27/09/2015

Tháng sáu năm Canh Tý (1300), Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn bệnh nặng. Vua Trần Anh Tông giá đến thăm, cầm tay hỏi rằng: "Nếu có điều chẳng may, mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào?".

Tháng sáu năm Canh Tý (1300), Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn bệnh nặng. Vua Trần Anh Tông giá đến thăm, cầm tay hỏi rằng: “Nếu có điều chẳng may, mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào?”. Hưng Đạo Vương nói: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy”.

Cụm từ “khoan thư sức dân” có bốn chữ mà hiểu hoài chưa thấu, học hoài chưa hết. Trong lịch sử dân tộc, rất nhiều triều đại nhờ khoan thư sức dân, chăm lo cho dân mà hưng thịnh và phát triển rực rỡ. Người xưa, những đấng minh quân như: Lý Thái Tổ, Lý Nhân Tông, Lý Thánh Tông, Trần Nhân Tông đều lưu tâm đến chính sách tiết giảm áp lực thuế khóa cho nông dân, nhất là sau mỗi khi dồn sức ứng phó với thiên tai địch họa. Bậc đại khai quốc công thần Ức Trai Nguyễn Trãi từng đúc kết rằng: “Lẽ thành bại và sự hưng vong của quốc gia có liên quan rất mật thiết với nỗi vui buồn của người dân”.

Bây giờ, người dân (nhất là nông dân) nghe nhiều đến thuật ngữ “xã hội hóa” hơn là “khoan thư sức dân”. Mặc dù sẽ loại bỏ 26 loại phí, lệ phí khỏi danh mục, nhưng người nông dân vẫn còn gánh 937 khoản phí và 90 lệ phí. Nghe nói một con gà cũng phải cõng 14 loại phí, lệ phí. Ấy là chưa kể hàng lô hàng lốc các khoản phải đóng góp tự nguyện gọi là “xã hội hóa”. Đầu năm học, mỗi học sinh phải đóng gần một tấn bắp cho hàng chục khoản.

Thực là, muốn được khoan thư, dân mình phải có sức: Sức chịu đựng!

Trực Tử

 

Tin xem nhiều