Giai thoại lịch sử kể rằng, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên ở thế kỷ XIII, khi các đức ông vung gươm ngoài sa trường, các lệnh bà nơi hậu phương cũng muốn góp phần đánh giặc bằng cách chăm lo việc hậu cần cho quân binh.
Giai thoại lịch sử kể rằng, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên ở thế kỷ XIII, khi các đức ông vung gươm ngoài sa trường, các lệnh bà nơi hậu phương cũng muốn góp phần đánh giặc bằng cách chăm lo việc hậu cần cho quân binh. Một lần, đức ông Trần Quang Khải xuất trận. Việc quân gấp rút, công chúa Phụng Dương cùng chồng nghĩ kế để chuẩn bị cho ba quân lên đường.
Gay nhất là chuyện ăn. Làm sao cùng một lúc giải quyết mấy ngàn cái dạ dày đang đói vừa được no đủ, vừa nhanh gọn để cho tướng sĩ kịp ra trận? Lệnh bà Phụng Dương bèn chia gạo thịt đến từng ngũ, kêu gọi anh em nấu cơm thi. Ai nấu giỏi, nhanh lẹ được thưởng to. Ai nghĩ cách nấu gọn không tốn nhiều củi, nước cũng được thưởng.
Cuộc thi nấu cơm trước giờ ra trận thật vui vẻ, rộn ràng. Chẳng mấy chốc toàn quân đều có cơm ngon, canh ngọt. Ai cũng ăn ngon, ăn no và vui lòng bước vào trận đánh. Nhờ vậy, lần ấy Trần Quang Khải xuất quân kịp thời và thắng trận.
Xét thấy nấu cơm cũng góp phần thắng giặc, quan binh nhà Trần thường tổ chức thi nấu cơm trong quân ngay cả trong những lúc thái bình. Lâu dần thành lệ quen. Ngày nay, tục thi nấu cơm vẫn còn, nhất là ở vùng Bình Lục (Hà Nam), nơi còn đền thờ tướng quân Trần Quang Khải và công chúa Phụng Dương.
Thời nay, bàn về gia đình Việt Nam, người ta thường nhắc đến việc nấu ăn. Có ý kiến sính theo kiểu Tây, cho rằng cần ”thanh lý” việc nấu nướng trong nhà để giải phóng phụ nữ.
Với người Việt, bữa cơm không phải chỉ là chuyện để “nạp năng lượng”, còn là chuyện của văn hóa. Như tục thi nấu cơm chẳng hạn.
Trực Tử