Từ Dũ là mẹ của vua Tự Đức, được vua hết lòng phụng thờ. Đáng lẽ bà giàu có, sang trọng nhất triều đình mới phải. Vậy mà không. Ở nhà bà, cái gối nằm, cái ghế ngồi, bộ ấm trà, bộ may vá... thảy đều cũ kỹ.
Từ Dũ là mẹ của vua Tự Đức, được vua hết lòng phụng thờ. Đáng lẽ bà giàu có, sang trọng nhất triều đình mới phải. Vậy mà không. Ở nhà bà, cái gối nằm, cái ghế ngồi, bộ ấm trà, bộ may vá... thảy đều cũ kỹ. Bao lần, nội giám đòi sắm mới, bà đều một mực từ chối. Lại còn khuyên dạy gia nhân: “Đồ vật nếu còn dùng được thì nên dùng. Như vậy vừa có ý nghĩa, vừa đỡ cho ngân khố”.
Đức Từ Dũ rất thương con đồng thời cũng rất nghiêm khắc với con. Bà không tham gia nhiếp chính nhưng lúc nào cũng giữ được tiếng uy nghi nhất triều đình. Vua biếng nhác, trễ tràng việc triều chính cũng bị bà la rầy như hồi còn nhỏ. Một lần, Tự Đức giong thuyền đi chơi trên sông Hương gặp mưa gió không về kịp trong ngày, bà Từ Dũ chong đèn ngồi đợi sáng đêm, cơm không ăn, trầu không têm, chốc chốc lại sai người ra bến sông ngóng thuyền về chưa. Chừng Tự Đức về, vào trấn an mẹ thấy bà ngoảnh mặt đi hướng khác biết là mẹ giận, bèn hối lỗi nằm dài ra đất, tự đặt lên mình một cái roi để chịu tội. Bà Từ Dũ răn vua: “Làm vua mà say đắm trong vui chơi là không được rồi. Con về không đúng hẹn đâu chỉ có mình mẹ lo. Cả triều đình trông, việc quốc sự đang chờ. Như vậy, có nên không?”.
Một lần khác, Tự Đức theo lời cận thần định tổ chức hội vui ba ngày để cầu đảo. Bà Từ Dũ nghe được cho gọi vua đến:“Muốn cầu đảo xin mưa, phải biết sửa mình làm việc phúc đức trước đã. Nắng hạn đã khổ, nay lại vui chơi tốn kém, liệu trời có chứng cho không?”. Vua Tự Đức nghe mẹ, gác lại chuyện hội vui.
Cho đến cuối đời, bà Từ Dũ vẫn sống một cuộc sống giản dị, liêm chính, không tham giàu sang, chẳng chuộng hư vinh, rất nhân từ, vị tha mà cũng rất nghiêm khắc với mọi người.
Bậc mẫu nghi thiên hạ có lòng từ mẫu như bà Từ Dũ khiến người dân khâm phục và kính trọng. Hỡi các “đức bà” danh giá thời nay, bài học này có quá khó hay không?
Trực Tử