Báo Đồng Nai điện tử
En

Thần nữ Thị Duệ

10:08, 10/08/2015

 

Thị Duệ sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, nếp nhà trong sạch. Năm lên sáu tuổi, Duệ đã biết đọc, biết viết, thuộc nhiều đoạn dài trong ngũ kinh. Mười tuổi nổi tiếng thông hiểu sách vở, kinh sách của học trò trong làng, không quyển nào là không đọc.

Thị Duệ sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, nếp nhà trong sạch. Năm lên sáu tuổi, Duệ đã biết đọc, biết viết, thuộc nhiều đoạn dài trong ngũ kinh. Mười tuổi nổi tiếng thông hiểu sách vở, kinh sách của học trò trong làng, không quyển nào là không đọc. Đọc qua là nhớ, nhớ như in số dòng, số trang, điển tích và lớp nghĩa của từng từ. Nghe tin lạ, nhiều bậc danh nho trong làng đến tra hỏi thử, quả đúng là như vậy, bèn gọi đây là thần đồng của làng Kiệt Đặc.

Thời ấy, việc đèn sách và con đường cử nghiệp là của đấng mày râu, còn phận bồ liễu dù có thông kim bác cổ cũng chẳng thể vượt ra ngoài việc nội trợ. Biết vậy, cha mẹ không cho Nguyễn Thị Duệ học nhiều. Nguyễn Thị Duệ không chịu rời việc bút nghiên, cứ nằn nì đòi cha mẹ cho học chữ. Trong làng, các thầy đồ giỏi không nhận học trò gái, Thị Duệ giả trai xin học ở làng khác, suốt mấy năm liền không ai nhận ra.

Đến khoa thi hội, Thị Duệ cũng lều chõng theo các sĩ tử vào trường thi. Khi bảng vàng nêu danh, tên Nguyễn Duệ đứng vào hàng tiến sĩ xuất thân, được bệ kiến đức vua để vua ban ân tứ. Trông thấy Nguyễn Duệ quỳ lạy dưới sân rồng, vua ngạc nhiên: “Này, tân khoa họ Nguyễn kia, tiến sĩ xuất thân mà sao mặt hoa da phấn, cung cách yểu điệu giống như là con gái vậy?”. Biết không giấu được, Nguyễn Duệ ấp úng: “Muôn tâu, quả đúng như lời bệ hạ phán. Chỉ là do triều đình cấm việc học hành thi cử của nữ nhi”.

Vua không bắt tội, khen là bậc nhi nữ tài cao, cho phép “hoàn nữ”, giữ lại trong cung dạy chữ cho cung nữ. Đến vua Lê và chúa Trịnh nhiều lúc cũng phải gọi bà đến nhờ giảng giải cho những điều khó hiểu trong cổ thư. Biết là giỏi vậy, nhưng Nguyễn Thị Duệ vẫn không được làm quan. Bởi vì, thời ấy không có chủ trương “bình đẳng giới - vì sự tiến bộ của phụ nữ”.

Bây giờ, có rồi, thì sao? Không rõ. Chỉ biết rằng, tỷ lệ nữ có chức vụ trong các cấp lãnh đạo, quản lý qua các nhiệm kỳ vẫn ì ạch ở con số dưới 30%!

Trực Tử

Tin xem nhiều