Hàn Bá Du bị mẹ đánh đau, cắn răng chịu đựng, được khen là hiếu. Thầy Tăng Sâm cũng bị đánh đau, gắng chịu đựng đến ngất xỉu, nhưng không được xem là hiếu. Vì sao vậy?
Hàn Bá Du bị mẹ đánh đau, cắn răng chịu đựng, được khen là hiếu. Thầy Tăng Sâm cũng bị đánh đau, gắng chịu đựng đến ngất xỉu, nhưng không được xem là hiếu. Vì sao vậy?
Chuyện kể rằng, thầy Tăng Sâm bừa cỏ, lỡ tay làm đứt dây dưa. Người cha (Tăng Tích) tức giận, cầm gậy phang thẳng vào lưng. Tăng Sâm đau quá, gồng mình chịu đựng đến mức ngất xỉu. Khi hồi tỉnh, biết cha đã bỏ về, Tăng Sâm đến bên cha, thưa chuyện: “Lúc nãy con có tội, để cha phải đánh, làm đau tay cha, thực là con lỗi đạo”. Rồi Tăng Sâm ca hát, nhảy múa ra vẻ khoẻ mạnh để cha an lòng.
Nghe chuyện như vậy, Khổng Tử cho là Tăng Sâm thất hiếu, cấm cửa không cho vào hầu. Tăng Sâm ngạc nhiên, lo lắng, hỏi mãi, Khổng Tử mới gọi đến, giải thích: “Ngày trước ông Thuấn phụng sự cha là Cổ Tẩu, lúc cha sai khiến gì, thì ở luôn bên cạnh, lúc cha giận dữ muốn giết thì lánh xa, cha đánh bằng roi vọt thì cam chịu, đánh bằng gậy gộc thì chạy trốn. Thế cho nên ông Cổ Tẩu không mang tiếng là bất từ. Nay Sâm thờ cha liều mình để chiều cơn giận của cha đến nỗi ngất đi. Giá như cha đánh quá tay mà chết mất, thì có phải là làm cho cha mắc tội giết con không, tội bất hiếu còn gì to hơn nữa?”.
Tăng Sâm nghe vậy, hiểu ra. Chữ hiếu cũng có ba bảy đường, không lệ thuộc vào một hành vi khuôn phép, mà phải ứng biến hợp lý, hợp cảnh, hợp tình. Nếu cứ phải nhất nhất cam chịu để cho cha mẹ rơi dần vào sự khó, sự ác thì không gọi là hiếu được.
Trực Tử