Một thiếu phụ tên gọi là Nguyễn Thị Đào đệ đơn đến huyện đường xin được phép "đi bước nữa". Huyện ông đi vắng, huyện bà thay chồng tiếp đơn, cầm bút phê: "Phó cho con Nguyễn Thị Đào. Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai. Chữ rằng xuân bất tái lai. Cho về kiếm chút kẻo mai nữa già".
Một thiếu phụ tên gọi là Nguyễn Thị Đào đệ đơn đến huyện đường xin được phép “đi bước nữa”. Huyện ông đi vắng, huyện bà thay chồng tiếp đơn, cầm bút phê: “Phó cho con Nguyễn Thị Đào. Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai. Chữ rằng xuân bất tái lai. Cho về kiếm chút kẻo mai nữa già”.
Thị Đào được lời như cởi tấc lòng, bèn về lấy chồng khác như được phép. Quan trên biết chuyện trát xuống khiển trách Tri huyện Uẩn về tội để vợ đem thơ văn đùa giỡn việc công đường. Tri huyện Uẩn hỏi ra thì chuyện đã rồi, bụng nghĩ vừa phục, vừa sợ người vợ giỏi văn thơ, rất thoáng đạt của mình.
Người vợ ấy tên Nguyễn Thị Hinh, con gái của Nho Dương ở làng Nghi Tàm (Hà Nội). Thị Hinh lấy chồng là Lưu Nguyễn Uẩn, xuất thân Cử nhân khoa Tân Tỵ (1821), được bổ nhiệm Tri huyện Thanh Quan nên người ta gọi bà Hinh là Bà Huyện Thanh Quan.
Bà Huyện Thanh Quan học giỏi, có biệt tài văn thơ. Các bài: Thăng Long hoài cổ, Qua đèo Ngang là những tuyệt tác được truyền tụng mãi trong kho tàng văn chương nước nhà.
Bà Huyện Thanh Quan lại là người có tính rộng rãi, thích đùa vui, luôn cởi mở với mọi người. Có chuyện kể rằng, lúc chồng đi vắng, bà lại thay chồng nhận đơn của một ông Cống tân khoa. Ông Cống muốn mổ trâu ăn khao nhưng sợ phạm luật nên mới làm đơn xin phép. Bà Huyện Thanh Quan mỉm cười, hạ bút phê: “Người ta thì chẳng được đâu. Ừ thì ông Cống làm trâu thì làm”.
Ông Cống xem lời phê biến sắc mặt. Bởi ông là người nhiều chữ, xem qua là biết ngay bà huyện biếm mình: “Ừ thì ông Cống làm trâu (súc vật) thì làm”. Song, lời phê cũng có ý cho phép mổ trâu nên ông lấy đó làm vui về nhà vật trâu ăn mừng.
Việc thơ của Bà Huyện Thanh Quan được khen là hay, nhân văn, tài hoa. Nhưng thời nay, hổng quan bà nào làm theo.
Trực Tử