Đỗ Quang, người tỉnh Hải Dương, làm quan dưới thời vua Tự Đức. Năm 1848, ông được bổ làm Tuần phủ Định Tường. Khi trấn nhậm ông luôn hết sức mình để chăm lo cuộc sống của nhân dân.
Đỗ Quang, người tỉnh Hải Dương, làm quan dưới thời vua Tự Đức. Năm 1848, ông được bổ làm Tuần phủ Định Tường. Khi trấn nhậm ông luôn hết sức mình để chăm lo cuộc sống của nhân dân. Không chỉ năng xuống tận cơ sở để thị sát tình hình, thấu hiểu tình cảnh nghèo khổ của dân chúng, chú ý tra xét công việc của quan lại, nghiêm trị bọn cường hào ức hiếp dân, ông còn yêu cầu các quan địa phương phải “rút bớt phiền hà, răn điều hư, làm điều thực, giảm dân công, nhẹ thuế khóa, bớt thu tài lực của dân, lấy việc cố kết lòng người làm gốc”. Vì vậy, Đỗ Quang rất được dân yêu quý.
Năm 1850, do quản lý không chặt để bọn lái buôn người Thanh trốn thuế, ông bị cách chức Tuần phủ và bị triệu về triều để xét tội. Ngày ông lên đường về kinh chịu tội, nhân dân chờ sẵn hai bên đường kéo dài cả dặm, níu áo ông mà kêu khóc nghẽn cả đường. Sau khi điều tra vụ án, vua Tự Đức có sắc chỉ khẳng định nhân cách cao quý của Đỗ Quang: “Nếu không phải là người thường được lòng dân thì làm sao được như thế”. Năm 1852, ông được xóa tội và được đưa về Viện Hàn lâm, ít lâu sau lại thăng chức.
Năm 1860, Đỗ Quang được bổ nhiệm làm Tuần phủ Gia Định.Thành Gia Định bị thất thủ vào tay giặc Pháp.Quân triều đình rút về miền Trung. Đỗ Quang không chấp nhận rút lui bỏ dân, ông bí mật ở lại Gia Định cùng nhân dân đánh giặc. Những chiến công của nghĩa quân Trương Định đều có sự đóng góp tích cực của Đỗ Quang. Khi triều đình Nguyễn hèn yếu cắt 3 tỉnh miền Đông (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa) cho giặc Pháp, ông dâng sớ từ quan.
Người làm quan mà được như Đỗ Quang, không chỉ là điều may mắn của nhân dân mà còn là hồng phúc của nước nhà.
Trực Tử