Nguyễn Văn Hiếu quê ở Định Tường (tỉnh Tiền Giang và một phần tỉnh Đồng Tháp ngày nay) là con của quan Cẩm y Chưởng vệ Nguyễn Văn Đán, nhưng do cha làm quan thanh liêm nên nhà rất nghèo. Lúc nhỏ, ông từng phải đi cắt cỏ thuê để kiếm sống. Sau này dưới triều Gia Long, Nguyễn Văn Hiếu làm đến chức Tả doanh Đô thống chế, tước Lương Năng bá.
Nguyễn Văn Hiếu quê ở Định Tường (tỉnh Tiền Giang và một phần tỉnh Đồng Tháp ngày nay) là con của quan Cẩm y Chưởng vệ Nguyễn Văn Đán, nhưng do cha làm quan thanh liêm nên nhà rất nghèo. Lúc nhỏ, ông từng phải đi cắt cỏ thuê để kiếm sống. Sau này dưới triều Gia Long, Nguyễn Văn Hiếu làm đến chức Tả doanh Đô thống chế, tước Lương Năng bá.
Quan chức cao, nhưng giống như cha, Nguyễn Văn Hiếu có tiếng là thanh liêm, xử việc thẳng thắn, công minh. Ông nghiêm cấm người nhà không được tự ý nhận quà biếu xén, vì thế gia cảnh rất thanh bần. Phu nhân của ông thường phàn nàn việc này, ông cười đáp rằng:
- Phu nhân không nhớ thuở còn đi cắt cỏ ư? Cái ăn, cái mặc giờ đây gấp đôi, gấp năm ngày xưa, vậy mà còn muốn lấy của bất nghĩa để làm giàu ư?
Năm 1823, ông nhận chức Trấn thủ Thanh Hoa (Thanh Hóa ngày nay). Có viên Thổ ti đem lễ vật rất hậu đến xin yết kiến, người đầy tớ nhà ông lén nhận. Việc bị phát giác, ông giận lắm, sai đem kẻ đầy tớ chém đầu ngay. Chém xong, ông xin chịu tội với triều đình. Vua cho rằng ông tự tiện giết người là có tội, phạt ông phải giáng ba bậc nhưng vẫn cho lưu nhiệm chức cũ.
Trong phẩm chất thanh liêm của Nguyễn Văn Hiếu, ắt không chỉ xuất phát từ nhận thức và nỗ lực của bản thân ông, mà còn từ tấm gương đạo đức của người cha là Nguyễn Văn Đán. Lại nữa, nếu Nguyễn Văn Hiếu không nghiêm khắc khuyên răn, để vợ làm càn (như trường hợp người đầy tớ), thì liệu sự thanh liêm ấy có được tròn vẹn hay không? Chính vì vậy, việc nêu gương của cấp lãnh đạo là rất quan trọng, không chỉ đối với cấp dưới mà còn cần là tấm gương mẫu mực trong gia đình, cộng đồng.
Trực Tử