1. Giờ đây, Trường tiểu học Nam Cao (ấp Bàu Cá, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) đã có cơ sở vật chất khang trang được đầu tư nâng cấp từng bước bằng nguồn ngân sách, sự đóng góp của phụ huynh.
1. Giờ đây, Trường tiểu học Nam Cao (ấp Bàu Cá, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) đã có cơ sở vật chất khang trang được đầu tư nâng cấp từng bước bằng nguồn ngân sách, sự đóng góp của phụ huynh. Nhưng ít ai biết, cách nay 13 năm, khi mới thành lập, nhà trường chỉ có 2 dãy phòng học cấp bốn xuống cấp nghiêm trọng, sân trường như lòng chảo, nắng bụi mưa lầy. Bấy giờ, thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Hạnh phải bỏ tiền túi và mượn thêm để lo từng bước cho ngôi trường dần hoàn thiện…
2. Nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Dư, KP.8, phường Long Bình (TP.Biên Hòa) tự nguyện mở lớp phổ cập tiểu học cho trẻ em lang thang không được đến trường. Lúc đầu, lớp đặt ở hội trường khu phố, sau đó bà tự nguyện sửa sang 3 phòng trọ của gia đình làm phòng học. Đến nay, hàng năm, lớp học phổ cập tiểu học này có trên 90 em tham gia. Đã có khoảng 300 học sinh được bà dạy dỗ. Không chỉ học chữ, các em còn được học làm người. Tổ ấm tình thương này đã giúp giảm tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật trên địa bàn phường.
3. Cô Lê Thị Hồng Hải, giáo viên Trường mầm non Long Thành (huyện Long Thành), ngoài việc phát huy sáng kiến, sáng tạo trong chế tạo đồ dùng dạy học để tiết kiệm kinh phí cho trường, cô còn được biết đến là người có nhiều phương pháp giáo dục sáng tạo. Bằng những đồ vật đã qua sử dụng, như: lịch treo tường, giấy bìa, ống nhựa, lon nước, đũa tre, bàn tay khéo léo của cô Hải đã biến thành những mô hình xe hơi, xe mô tô, xe đạp phục vụ cho việc dạy dỗ các cháu…
***
Ba câu chuyện trên không hoàn toàn tiêu biểu cho bức tranh toàn cảnh về tình thầy trò trong đời sống giáo dục Đồng Nai, nhưng đó là 3 câu chuyện đẹp lung linh như những đóa hồng trong ngày 20-11 này.
BA PHA