- Mới đây chính quyền một huyện của một tỉnh ở miền Tây đã hai lần ra văn bản yêu cầu cán bộ, công chức huyện này phải mua sắm ở chợ mới xây, không được đi chợ cũ. Văn bản này còn buộc cán bộ - công chức viết cam kết chấp hành quy định này!
Chợ mới vắng hoe khách |
- Mới đây chính quyền một huyện của một tỉnh ở miền Tây đã hai lần ra văn bản yêu cầu cán bộ, công chức huyện này phải mua sắm ở chợ mới xây, không được đi chợ cũ. Văn bản này còn buộc cán bộ - công chức viết cam kết chấp hành quy định này!
- À, tui có theo dõi vụ này. Chuyện là vầy, cái công trình chợ mới xây lên cách chợ cũ khoảng 1 cây số, khi đưa vào hoạt động tháng 7-2012 đến nay chỉ có gần 30% tiểu thương ở chợ cũ đến đây buôn bán do giá cho thuê ki-ốt mà phía chủ đầu tư đưa ra quá cao.
- Vận động cán bộ - công chức gương mẫu chấp hành pháp luật, sinh hoạt có đạo đức là điều cần làm, nhưng can thiệp vào vụ đi chợ như thế tui mới nghe lần đầu ông ạ. Bởi chợ là nơi trao đổi hàng hóa, thuận mua vừa bán, hợp lý thì đến, bất hợp lý thì thôi.
- Thì tự cổ chí kim, chợ hình thành đều có quy luật của nó chứ đâu phải đem ý chí chủ quan vào là được đâu. Chữ “chợ” trong tiếng Anh đồng nghĩa với chữ “thị trường” đó. Chợ hợp pháp chưa chắc đã hợp lý. Mà chuyện thành bại của cái chợ phải nằm ở chỗ hợp lý đó nghe!
- Thì bài học xây chợ đầy ra mà. Có điều chuyện tui muốn nói ở đây không phải chuyện chợ mà là cái vụ cam kết kia.
- Tui thấy nó không khả thi. Giống y như chuyện buộc công chức không được tổ chức cưới hỏi quá bao nhiêu mâm, công chức chết không được viếng quá 7 vòng hoa…
- Đúng là khó khả thi bởi vì chuyện đi chợ là sinh hoạt ngoài giờ hành chính của công chức hay người thân họ mà. Tui thấy có giải pháp hay hơn!
- Ông nói tui nghe thử…
- Nếu các vị ấy muốn can thiệp bắt công chức đi chợ đúng nơi quy định thì nên phát lương bằng… tem phiếu!
- Ông định quay lại thời bao cấp à?
- Và các loại tem phiếu này chỉ dùng được ở cái chợ mới đó thôi!
BA PHA