* Thưa giáo sư, ông là một trong số ít người ủng hộ việc xây bảo tàng 11 ngàn tỷ đồng trong khi số đông đang phản đối?
(Phỏng vấn một giáo sư)
* Thưa giáo sư, ông là một trong số ít người ủng hộ việc xây bảo tàng 11 ngàn tỷ đồng trong khi số đông đang phản đối?
- Chân lý đâu phải lúc nào cũng thuộc về số đông. Tôi nhấn mạnh: đến thời điểm này chúng ta mới tính xây dựng bảo tàng lớn là quá muộn, vì so với các nước phát triển thì những bảo tàng ở ta kém quá!
* Nhưng bảo tàng ở nước người ta thì bán vé cho khách tham quan rất cao và lúc nào cũng có khách, còn bảo tàng nước mình nhiều nhưng không ai muốn vào. Đã vậy, chi phí xây dựng bảo tàng mới của ta cao quá trong lúc kinh tế khó khăn, trường học bệnh viện thiếu thốn?
- Thấy nó nhiều vậy nhưng so với cả nền kinh tế, thậm chí so với tiền thất thoát, tham nhũng cũng đáng bao nhiêu! Khó thì mình vay, mai mốt lấy tiền bán vé bù lại! Quan trọng là có cái bảo tàng để dân hiểu thêm về lịch sử, khơi gợi, kêu gọi lòng yêu nước của mọi người.
* Bảo tàng Hà Nội xây dựng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long chi phí 2 ngàn tỷ đồng song chưa có nhiều người đến tham quan. Nhiều bảo tàng lớn trong nước giờ chỉ cho thuê mặt bằng bán cà phê, quán nhậu. Liệu dự án lớn này có tương tự như vậy?
- Điều quan trọng không phải là quy mô mà là có cái gì để trưng bày không. Các bảo tàng trên thế giới có khi là một phần của khách sạn cũ, một con tàu cũ, một quán cà phê cũ… nhưng họ thu được nhiều tiền lắm!
* Nhưng nhiều bảo tàng trên thế giới xây dựng không phải từ tiền thuế của dân, thưa giáo sư?
- Thì dân mình có ai đứng ra làm bảo tàng đâu. Trình độ dân trí còn hạn chế. Công chúng, nhất là thanh niên thì đang kêu ca ít hiểu biết về lịch sử, thậm chí thờ ờ, quay lưng lại với lịch sử. Cho nên chúng ta cần có đột phá, như một ngòi nổ để thổi bùng sự nghiệp bảo tàng!
* Vậy có bảo tàng lớn thì dân mình hiểu lịch sử hơn, dân trí mình sẽ nâng lên?
- Ôi, cái này thì tôi không chắc à nghen!
BA PHA (ghi lại)