Báo Đồng Nai điện tử
En

"Chất lượng mềm" cho xe buýt

10:06, 20/06/2018

Chọn xe buýt làm phương tiện đi lại từ khá lâu đã trở thành thói quen của nhiều người dân và thói quen này được chính quyền khuyến khích. Hiện Đồng Nai có 25 tuyến xe buýt nội tỉnh lẫn ngoại tỉnh và mỗi năm đón hàng chục triệu lượt khách sử dụng.

Chọn xe buýt làm phương tiện đi lại từ khá lâu đã trở thành thói quen của nhiều người dân và thói quen này được chính quyền khuyến khích. Hiện Đồng Nai có 25 tuyến xe buýt nội tỉnh lẫn ngoại tỉnh và mỗi năm đón hàng chục triệu lượt khách sử dụng.

Rõ ràng với một địa phương, nhất là ở đô thị hoặc những nơi đang có tốc độ đô thị hóa cao thì phát triển dịch vụ xe buýt giải quyết được rất nhiều bài toán: giảm kẹt xe, giảm lượng khí thải, giảm chi phí cho người sử dụng, tiết kiệm thời gian… Song, ở góc độ người dân thì để họ chịu chọn giữa xe buýt và xe cá nhân (chủ yếu là xe máy) đòi hỏi khá nhiều yếu tố. Trong đó, quan trọng nhất là nhà cung cấp dịch vụ xe buýt phải đảm bảo được cả 2 mặt chất lượng “cứng” và chất lượng “mềm”.

Chất lượng “cứng” có thể được hiểu nôm na là chất lượng xe buýt, cần phải rộng rãi, mới, nội thất ổn, nên có máy lạnh bởi quá trình di chuyển trên một chiếc xe lớn, đông người dễ gây cảm giác ngột ngạt cho hành khách. Về điều này, dù có nhiều nỗ lực, song đến nay chất lượng xe buýt của Đồng Nai vẫn chưa được như ý.

Thống kê của Sở Giao thông - vận tải cho thấy hiện Đồng Nai có hơn 370 xe buýt của các đơn vị đang hoạt động, trong đó gần 20% xe được sản xuất từ năm 2005 trở về trước, trên 70% xe được sản xuất từ năm 2006-2010, chỉ có 10% xe được sản xuất từ năm 2010 đến nay. Trong khi đó, theo tiêu chí mà sở ban hành về chất lượng xe buýt thì xe buýt phục vụ tuyến không trợ giá chỉ nên sử dụng các xe có niên hạn dưới 12 năm, và với các tuyến có trợ giá thì dưới 10 năm. Chiếu theo thống kê đó, rõ ràng hầu hết xe buýt của Đồng Nai hiện gần quá hạn (70%) hoặc đã quá hạn (20%). Và trong 25 tuyến buýt, cũng chỉ có 2 tuyến được trang bị máy lạnh, một con số quá ít ỏi so với nhu cầu và hoàn toàn chưa đáp ứng được kỳ vọng cơ bản của người dân.

Nhưng thực sự “chất lượng mềm” của xe buýt mới là điều cần bàn đến. Chỉ cần phỏng vấn nhanh một số hành khách đi các tuyến xe buýt tương đối đắt sẽ thấy tình trạng khách “chê nhiều hơn khen”. Những bình luận than phiền hầu hết tập trung ở những lỗi kinh niên của nhà xe như: thái độ phục vụ không tốt, thậm chí cộc cằn; tài xế chạy ẩu, phóng nhanh hoặc bỏ chuyến khiến khách đợi lâu; xe có máy lạnh nhưng không mở; xe thiếu vệ sinh; phụ xe không xé vé; nhận gửi hàng hóa quá nhiều khiến khách phiền lòng…, cùng rất nhiều lỗi phục vụ khác.

Sòng phẳng mà nói, nếu đầu tư đổi mới xe buýt còn gặp khó khăn do thiếu kinh phí thì chính quyền và cơ quan chức năng nên tập trung ráo riết cho việc cải thiện “chất lượng mềm”, chính là thái độ phục vụ và chất lượng dịch vụ của xe buýt. Xe có thể hơi cũ, nhưng chỉ cần được vệ sinh sạch sẽ thường xuyên, thoáng gió, thái độ phục vụ trung thực, lịch sự, tài xế chạy cẩn thận, không phóng nhanh, không bỏ chuyến… thì lượt người chọn xe buýt cũng sẽ tăng nhanh.

Ở địa phương lân cận với Đồng Nai là TP.Hồ Chí Minh, cải thiện chất lượng xe buýt đang là điểm được chính quyền tập trung. Ngoài việc đầu tư xe tốt, thái độ phục vụ của tài xế và phụ xe được theo dõi rất kỹ bởi cơ quan quản lý thông qua máy định vị GPS, camera hành trình và camera gắn trong xe… và tài xế nào phóng nhanh, bỏ chuyến, đi sai làn đường, không mở máy lạnh… đều được truyền trực tuyến về phòng điều hành và có biên bản xử lý ngay trong ngày.

Dĩ nhiên, bất cứ phương tiện theo dõi nào cũng không bằng ý thức con người, cốt lõi vẫn là nhận thức của chính những người đang tham gia kinh doanh xe buýt, song nên tập trung cải thiện được phần nào hay phần nấy mới mong thu hút được người dân giảm tải phương tiện cá nhân và chọn đi xe buýt nhiều hơn.

Vi Lâm

Tin xem nhiều