Chú Tám xe ôm than thở:<br>
- Mấy bữa nay hễ đi thì thôi, còn về nhà là bà xã sai tao làm quá mạng. Nào là chùi lư, dọn dẹp cái "ổ chuột" nhà tao, tới mấy cánh cửa cái, cửa sổ, ngóc ngách trong nhà bả cũng hổng tha, bắt tao chùi rửa cho bằng sạch.
Chú Tám xe ôm than thở:
- Mấy bữa nay hễ đi thì thôi, còn về nhà là bà xã sai tao làm quá mạng. Nào là chùi lư, dọn dẹp cái “ổ chuột” nhà tao, tới mấy cánh cửa cái, cửa sổ, ngóc ngách trong nhà bả cũng hổng tha, bắt tao chùi rửa cho bằng sạch. Rồi còn phải chở bả đi mua cái này, sắm cái kia. Tao nghe điệp khúc “tết mà” của bả, ngán muốn chết.
Anh Tư Bốn cười… méo xẹo:
- Chú nói sao… nghe quen quen, giống y như cái cảnh ở nhà con. Riết rồi nghe chữ “tết”, tự nhiên thấy sợ quá chú. Hổng lẽ vái trời cho đừng có tết?
Chú Tám trợn mắt:
- Bậy nà. Tết là nét văn hóa truyền thống hàng ngàn năm nay của dân tộc mình. Ngày xưa chiến tranh, nghèo đói cỡ nào ông bà mình cũng không bỏ tập tục đón tết. Có điều, tao cho rằng dân mình nên hiểu đúng về ý nghĩa ngày tết, đừng chạy theo ba cái trò thực dụng, vụ lợi khiến chuyện đón tết vừa không đúng ý nghĩa vừa hao tài, tổn sức.
Anh Tư Bốn tươi nét mặt:
- Vậy theo chú, đón tết sao là ý nghĩa?
Chú Tám nheo mắt:
- Bây “hỏi đố” tao hả? Tết với ý nghĩa đoàn viên, tưởng nhớ tổ tiên, trên bàn thờ chỉ cần hoa quả và mâm đồ cúng để sau đó con cháu quây quần bên nhau, nhắc nhở truyền thống tốt đẹp của gia đình để con cháu tiếp nối. Vậy cần gì phải bày biện linh đình? Cần gì phải xúm nhau ăn nhậu tưng bừng?
Anh Tư Bốn tiếp lời:
- Cái này mới quan trọng nha: người lớn lì xì trẻ con với ý nghĩa cầu mong may mắn, tốt lành, vậy mắc gì phải lì xì nhiều tiền để rồi “thủng hầu bao, viêm màng túi” sau tết?
Chú Tám cười ha hả:
- Đúng vậy. Mong bà con mình tết năm nay đón tết đúng ý nghĩa, vừa vui tươi vừa tiết kiệm.
Ong mật