Chú Tám xe ôm chặc lưỡi, lắc đầu:<br>
- Hết chuyện nói, vụ lùm xùm quanh chuyện cái cô diễn viên gì đó nhảy qua làm ca sĩ, hát hỏng sao đó bị giới ca sĩ "ném đá" vậy mà hổng biết sao có giáo viên lại đưa vô đề thi môn Văn, yêu cầu mấy đứa học trò lớp 10 "hóa thân" thành cô này để bày tỏ quan điểm.
Chú Tám xe ôm chặc lưỡi, lắc đầu:
- Hết chuyện nói, vụ lùm xùm quanh chuyện cái cô diễn viên gì đó nhảy qua làm ca sĩ, hát hỏng sao đó bị giới ca sĩ “ném đá” vậy mà hổng biết sao có giáo viên lại đưa vô đề thi môn Văn, yêu cầu mấy đứa học trò lớp 10 “hóa thân” thành cô này để bày tỏ quan điểm.
Anh Tư Bốn cười:
- Hồi xưa mọi người cứ kêu ca là đề thi khô cứng, xa rời thực tế cuộc sống, giờ đề thi “nhảy” thẳng vô cuộc sống, kích thích khả năng tưởng tượng của học sinh, mang tính sáng tạo vậy chú còn kêu ca cái gì?
Chú Tám hứ cái cóc:
- Sáng tạo kiểu này, giống như lo xa “anh Chí” làm gương xấu cho học sinh. Ai mà không biết giáo viên ngày nay cần hướng cho học sinh quan tâm đến các vấn đề thời sự của đời sống xã hội hoặc những hiện tượng gần gũi với tuổi học trò, nhưng phải hướng tới điều gì bổ ích, mang tính tích cực chớ không phải hướng học sinh quan tâm tới cái “nồi lẩu” của giới showbiz.
Anh Tư Bốn gật đầu:
- Chọc ghẹo chú chút vậy thôi, chớ nghe vụ này con cũng bất ngờ. Hình như giáo viên ra đề thi này hơi “lố”, chỉ chú trọng đến tính chất mới, “độc, lạ” nhằm tăng sự hứng thú của học sinh mà quên mất yêu cầu về tính giáo dục. Đề Văn mở là cần thiết nhưng phải trong giới hạn, phù hợp lứa tuổi và nhất là phải có giá trị nâng cao năng lực thẩm mỹ, hướng tới mục đích nhận thức, giáo dục nhân cách cho học sinh. Hướng học sinh đến hiện thực cuộc sống nhưng phải qua “bộ lọc” chớ không phải nhặt nhạnh mọi thứ hiện thực xô bồ đưa vào học đường. Mong là các nhà giáo chú trọng đến điều này hơn nữa trước khi hạ bút, à quên, hạ bàn phím ra đề thi.
Ong mật