Anh Tư Bốn kể với chú Tám xe ôm:
- Chính quyền New Zealand vừa chính thức công nhận ngọn núi thiêng 120 ngàn năm tuổi Taranaki có quyền như một công dân.
Anh Tư Bốn kể với chú Tám xe ôm:
- Chính quyền New Zealand vừa chính thức công nhận ngọn núi thiêng 120 ngàn năm tuổi Taranaki có quyền như một công dân.
Chú Tám trợn mắt:
- Chính phủ nước này bộ “rảnh” lắm hay sao bây? Quyền công dân của ngọn núi này là cái gì? Núi có quyền đi bầu cử, bỏ phiếu gì gì đó hông?
Anh Tư Bốn phì cười:
- Một ngọn núi có quyền như một công dân, đó chỉ là nhân cách hóa nhằm nhấn mạnh vai trò, vị trí quan trọng của địa điểm trong đời sống sinh hoạt, tinh thần của cộng đồng, bởi từ bao đời nay người dân địa phương coi ngọn núi như tổ tiên hay thành viên ruột thịt trong gia đình. Cụ thể, 8 bộ tộc ở địa phương và Chính phủ sẽ cùng nhau chia sẻ trách nhiệm bảo vệ ngọn núi thiêng. Bất cứ ai có hành vi lạm dụng hay phá hoại núi thiêng Taranaki sẽ được xem như làm hại con người. Đây là địa điểm thứ 3 của New Zealand được công nhận quyền công dân.
Chú Tám ngẫm nghĩ:
- Cái vụ này nghe mới, lạ, nhưng thấy hay à nha. Trước giờ thiên hạ vẫn thường gọi mỹ miều là Mẹ thiên nhiên, nhưng rồi trong thực tế cứ thản nhiên tận dụng, vô tư phá hoại “mẹ”. Bây giờ Chính phủ New Zealand đã quy định núi là con người để áp dụng luật vào bảo vệ một cách cụ thể hơn.
Anh Tư Bốn tán thành:
- Nói về hành vi ứng xử không tốt với thiên nhiên thì nghe còn chung chung, chưa thấy gì nặng nề, nhưng “áp” vào con người thì... coi chừng, ngoài chuyện bị phạt tiền thì có thể bị ngồi tù như chơi. Phải có cách làm mạnh mẽ như New Zealand để bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên. Nhân cách hóa kiểu này, con hoan nghênh.
Ong mật