Chú Tám xe ôm lấy tay chùi mắt:<br>
- Tao mới coi hình ảnh thầy trò ở những vùng cao vất vả đến trường khi mùa tựu trường nhằm những ngày bão lũ. Nơi thì các thầy phải giăng dây, cõng từng em học trò qua con suối xiết. Nơi thì thầy cô giáo phải "cõng" xe máy đầy bùn mắc kẹt nơi bãi lầy...
Chú Tám xe ôm lấy tay chùi mắt:
- Tao mới coi hình ảnh thầy trò ở những vùng cao vất vả đến trường khi mùa tựu trường nhằm những ngày bão lũ. Nơi thì các thầy phải giăng dây, cõng từng em học trò qua con suối xiết. Nơi thì thầy cô giáo phải “cõng” xe máy đầy bùn mắc kẹt nơi bãi lầy. Rồi ở những đoạn đường cheo leo vì sạt lở, các thầy cô men theo vách núi đến trường bên cạnh những vực sâu hun hút, thấy mà thót tim. Thiệt là không cầm được nước mắt vì những gian khổ của thầy trò ở vùng cao.
Anh Tư Bốn gục gặc đầu:
- Điều khiến con xúc động là các thầy cô chẳng hề lấy đó để than thở, đòi tăng phụ cấp, mà chỉ muốn qua đó để xã hội có cái nhìn trân trọng hơn đối với nghề giáo cao quý.
Chú Tám trầm ngâm:
- Câu nói của một cô giáo ở Lai Châu: “Ai cũng muốn đi xuống xuôi thì ai sẽ dạy cho các em nhỏ vùng cao?” làm tao nhớ tới câu hát “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”. Rồi tự nhiên tao lại suy nghĩ đến dư luận hổm nay xôn xao về việc các trường sư phạm tuyển sinh điểm thấp lè tè vì sinh viên chẳng muốn vào.
Anh Tư Bốn cười:
- Ở đời, có người chọn lối sống an nhàn, có người chọn cách sống hy sinh vì cộng đồng, sống vì lý tưởng, sống vì đam mê, sống vì tình yêu nghề, yêu người. Chọn cách sống như thế nào là quyền của mỗi người, cũng hổng nói được ai đúng, ai sai. Có điều, cũng là con người nhưng khi nhìn thấy hình ảnh các thầy cô giáo hy sinh vì sự nghiệp trồng người, chắc chắn ai cũng cảm phục. Con nhớ hoài câu nói của Paven Corsaghin trong Thép đã tôi thế đấy: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí”.
Ong mật