Chú Tám xe ôm hỏi anh Tư Bốn:<br>
- Bây có nghe bài Phận chăn nuôi, nhạc chế từ bài Duyên phận chưa?
Chú Tám xe ôm hỏi anh Tư Bốn:
- Bây có nghe bài Phận chăn nuôi, nhạc chế từ bài Duyên phận chưa?
Anh Tư Bốn gật đầu, giọng ngậm ngùi:
- Dạ con có nghe rồi, cảm thấy xót lòng quá chú. Thường thì người ta chọn những bài nhạc nổi tiếng, “cải lời” ca khúc để làm vui, đằng này bài Phận chăn nuôi lại được sử dụng để thể hiện tâm trạng đau buồn trước cảnh heo gà mất giá, bán không được, nông dân phải ôm nợ nần mà lo lắng. Chia sẻ với tâm trạng người chăn nuôi, nhưng biết làm sao bây giờ chú?
Chú Tám nhẹ giọng:
- Hổm nay tao cũng chỉ biết sức nhỏ làm việc nhỏ, phụ “giải cứu” nông dân mình bằng cách hết mua chuối, dưa hấu đến thịt heo, “cứu” món nào thì cả nhà è cổ ăn món đó muốn chết. Đây cũng hổng phải giải pháp lâu dài.
Anh Tư Bốn suy tư:
- Thôi, để giải cứu cả nền nông nghiệp nước mình chớ hổng phải chỉ vài ba sản phẩm, cần có cả hệ thống chính sách vĩ mô của nhà nước. Ở đây con chỉ băn khoăn về văn nghệ sĩ của mình.
Chú Tám ngạc nhiên:
- Ủa, heo gà dính gì tới văn nghệ sĩ? Họ vừa hổng giúp tiêu thụ nông sản được, lại càng hổng có khả năng giúp bán hàng…
Anh Tư Bốn phì cười:
- Ý con, sản phẩm văn học nghệ thuật chân chính phải phản ánh hiện thực chân thật, sinh động đời sống xã hội. Văn học nghệ thuật phải hướng tới cái chân, thiện, mỹ nhưng nếu thờ ơ với những câu hỏi lớn, những vấn đề nóng bỏng của đất nước, của thời đại thì khó hoàn thành được sứ mệnh. Hiện nay có những tác phẩm nào về nông dân, công nhân đi vào lòng người chớ khoan nói là đạt đỉnh cao? Người ta chế nhạc vì thiếu tác phẩm thể hiện nỗi niềm. Thay vì tiêu tiền nhà nước để ngồi cãi với nhau, các vị ấy nên dành thời gian sáng tác đáp ứng nhu cầu công chúng thì hay hơn.
Ong mật