Báo Đồng Nai điện tử
En

Người giỏi cần được sử dụng và đãi ngộ

10:04, 03/04/2017

PGS.TS Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ từng kể một câu chuyện: khi công tác ở Mỹ, ông gặp một nữ tiến sĩ người Việt được đánh giá là giỏi chuyên môn, đang làm việc tại Mỹ với mức lương khá cao.

PGS.TS Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ từng kể một câu chuyện: khi công tác ở Mỹ, ông gặp một nữ tiến sĩ người Việt được đánh giá là giỏi chuyên môn, đang làm việc tại Mỹ với mức lương khá cao. Ông đã thuyết phục được cô về làm việc tại Đồng Nai với mức lương khiêm tốn hơn nhiều. Nhưng khi nữ trí thức này đặt câu hỏi: về quê sẽ làm việc ở đâu, môi trường phát triển như thế nào, thì ông… bó tay.

Một đất nước muốn thoát khỏi bẫy “lao động giá rẻ”, hướng đến có nền kinh tế dựa trên tri thức như Việt Nam, điều kiện tất yếu là phải có đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập, cạnh tranh và hướng tới nền kinh tế tri thức, việc đầu tư đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao càng phải được chú trọng. Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cần phải đồng bộ ở cả 3 yếu tố: đào tạo, sử dụng và đãi ngộ.

Đồng Nai là một trong những địa phương xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao rất sớm, từ năm 2005, với những định hướng rất rõ nét để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Về tổng thể, tỉnh xác định cần tập trung đào tạo lao động có tay nghề, lao động kỹ thuật cao qua chương trình đào tạo nghề; đào tạo đội ngũ chuyên gia giỏi đầu ngành ở các lĩnh vực mũi nhọn mà địa phương đang thiếu, khuyến khích phát triển qua chương trình đào tạo sau đại học; tạo nguồn cho nguồn nhân lực chất lượng cao qua đội ngũ học sinh trường chuyên, học sinh đoạt các giải thưởng quốc gia, quốc tế… Ở mỗi giai đoạn, các chương trình đều có sự điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

Đến nay, các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đã đạt được hiệu quả nhất định. Ở chương trình đào tạo nghề, có một số trường đã đào tạo được lao động có tay nghề cao theo chuẩn quốc tế. Chương trình đào tạo sau đại học cũng có trên 700 học viên hoàn thành các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.

Thế nhưng trong thực tế, nguồn nhân lực đã đào tạo từ các chương trình vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội cũng như tốc độ phát triển của địa phương. Bằng chứng, Đồng Nai vẫn chưa hình thành được đội ngũ chuyên gia đầu ngành như kỳ vọng, tỷ lệ bác sĩ/vạn dân của tỉnh đến nay vẫn chưa đạt chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, các doanh nghiệp vẫn “khát” lao động có tay nghề, lao động kỹ thuật cao. Chưa kể, rất nhiều báo cáo của các cơ quan, đơn vị, địa phương đều nêu hạn chế là trình độ đội ngũ cán bộ, công chức còn yếu. Vẫn còn xảy ra các nghịch lý là bác sĩ, dược sĩ được cử tuyển, tốt nghiệp trở về tỉnh không được phân công công tác; cán bộ, công chức sau khi hoàn thành chương trình học thì “chảy máu chất xám”…

Đã đến lúc cần đánh giá thực trạng công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao một cách cụ thể hơn nữa, đánh giá thực chất hơn nữa, bởi không phải tất cả những người đã qua đào tạo đều đáp ứng công việc. Nhân lực chất lượng cao không chỉ thể hiện ở tấm bằng, chứng chỉ mà chủ yếu ở hiệu quả công việc. Và không chỉ đặt nặng vấn đề đào tạo, chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh cũng cần xây dựng kế hoạch cụ thể về sử dụng và đãi ngộ nhân tài. Môi trường làm việc khó phát triển năng lực, chế độ đãi ngộ chưa phù hợp và chưa tương xứng, tình trạng thu nhập cào bằng đang là những rào cản lớn trong việc phát triển nhân lực chất lượng cao.

Hà Lam

 

Tin xem nhiều