Chú Tám băn khoăn hỏi anh Tư Bốn:
- Tao nghe thằng cháu ở dưới quê nói, mấy tháng nay giá heo giảm "quá đà", nông dân thua lỗ thê thảm, nhiều nơi phải bán trại vì không cầm cự được, có chuyện này không bây?
Chú Tám băn khoăn hỏi anh Tư Bốn:
- Tao nghe thằng cháu ở dưới quê nói, mấy tháng nay giá heo giảm “quá đà”, nông dân thua lỗ thê thảm, nhiều nơi phải bán trại vì không cầm cự được, có chuyện này không bây?
Anh Tư Bốn gật đầu:
- Giá heo liên tục giảm từ trước tết, tới nay chắc là “xuống đáy” rồi đó chú. Việc này đã được dự đoán trước, nhưng vẫn cứ diễn ra mới đau.
Chú Tám ngạc nhiên:
- Biết mà vẫn không tránh được, sao kỳ vậy?
Anh Tư Bốn giải thích:
- Trước đây có giai đoạn thị trường Trung Quốc “ăn” heo mạnh, heo bán có giá nên dân mình ùn ùn rủ nhau nuôi heo, xây chuồng trại rần rần. Quá nhiều người nuôi heo dẫn tới cung vượt cầu, cộng thêm thị trường Trung Quốc giảm tiêu thụ, nên giá heo “xuống dốc không phanh”, nông dân càng nuôi nhiều càng thua lỗ. Trước đó cơ quan chức năng cũng có cảnh báo việc tăng đàn heo ồ ạt, nhưng có ai nghe đâu chú, cứ thấy lời là đổ xô nuôi.
Chú Tám trầm ngâm:
- Tao nhớ thời bao cấp, đời sống khó khăn nên nhiều nhà tranh thủ nuôi vài ba con heo để cải thiện đời sống. Nhiều nhà lúc đó nhờ con heo trong chuồng mà qua được cơn thắt ngặt. Dân mình còn nghèo, thấy lợi thì ham là chuyện bình thường. Có điều, Nhà nước mình phải làm “chủ xị” giúp dân trong chăn nuôi, không thể để dân “tự bơi” được.
Anh Tư Bốn đồng tình:
- Con nghe nói ở nước ngoài không phải ai muốn chăn nuôi thì “thả bậy” vài con trong chuồng nhà như ở nước mình, mà nuôi ở đâu, quy mô bao nhiêu đều phải được cấp phép, giống như cấp quota vậy. Đã đến lúc mình cũng cần áp dụng điều này để kiểm soát được số lượng, tránh tình trạng cung vượt cầu. Chớ cứ tư duy tiểu nông, xem con heo là cách xóa đói giảm nghèo như trước đây thì “thương nhau như thế bằng mười hại nhau”, phải không chú?
Ong mật