Chú Tám xe ôm kể:
- Lâu lắm rồi tao mới có dịp đi siêu thị. Bước vô mà giựt mình vì hàng hóa phong phú hơn so với trước đây nhiều quá.
Chú Tám xe ôm kể:
- Lâu lắm rồi tao mới có dịp đi siêu thị. Bước vô mà giựt mình vì hàng hóa phong phú hơn so với trước đây nhiều quá. Có điều, hàng ngoại có vẻ chiếm ưu thế à nha. Hàng hóa của Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mã Lai… ôi thôi tràn đầy, thượng vàng hạ cám cái gì cũng có, giá cả so ra không mắc hơn hàng Việt bao nhiêu, mà dân mình hình như “sính ngoại” nên tao thấy người chọn mua hàng ngoại có vẻ nhiều.
Anh Tư Bốn gật đầu:
- Không chỉ có siêu thị Việt Nam tràn ngập hàng ngoại, mà nhiều tập đoàn nước ngoài đã làm chủ các siêu thị chuyên bán hàng nước mình, như: Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Từ lúc Cộng đồng kinh tế ASEAN ra đời tới nay, hàng hóa nước mình cạnh tranh với hàng hóa các nước trong khối ASEAN càng thêm vất vả.
Chú Tám hỏi:
- Tao nghe nói mình có cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam mà? Kết quả ra sao?
Anh Tư cười… hổng tươi:
- Mục tiêu thì rất “ngon”: đến năm 2020 có 100% người tiêu dùng và doanh nghiệp biết đến cuộc vận động; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bộ, ngành và tổ chức chính trị - xã hội xây dựng được kênh truyền thông “Tự hào hàng Việt”; hàng Việt có thế mạnh chiếm 80% thị phần tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhưng thực tế thì… chú thấy rồi đó.
Chú Tám trầm ngâm:
- Tao nghe nói, nhiều nơi còn “lên gân” kêu gọi: dùng hàng Việt là yêu nước. Thật ra, ở đời phải có chuyện công bằng: nếu hàng hóa chất lượng tương đương, người Việt nên ủng hộ hàng Việt. Như vậy, bên cạnh việc kêu gọi dân mình tập thành thói quen dùng hàng Việt, còn phải kêu gọi doanh nghiệp Việt sản xuất hàng hóa chất lượng, giá cả cạnh tranh, chớ hổng nên “ép” một phía người tiêu dùng. Tao nói vậy, hổng biết có phải không!
Ong mật