Chú Tám xe ôm rung đùi nói:<br>
- Tao đố bây nha: ai là "ông tổ" của vụ dạy thêm, học thêm ở Việt Nam?
Chú Tám xe ôm rung đùi nói:
- Tao đố bây nha: ai là “ông tổ” của vụ dạy thêm, học thêm ở Việt Nam?
Anh Tư Bốn ngẩn người:
- Ủa, vụ dạy thêm, học thêm cũng có “ông tổ” nữa hả chú?
Chú Tám đắc ý:
- Có chớ sao. Theo tao, nhà giáo Chu Văn An hiện đang được thờ ở Văn miếu Trấn Biên là người đầu tiên thực hiện dạy thêm, học thêm. Sau khi đỗ Thái học sinh, ông không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung, bên kia sông Tô Lịch, học trò theo học rất đông. Theo truyền thuyết dân gian, trong số các học trò của ông có một người rất kỳ lạ, chỉ theo học vào buổi chiều tối. Vì vậy, ông phải dạy riêng cho người học trò này, về sau mới biết đây là con trai của thủy thần vì hâm mộ văn tài của thầy mà vượt qua ranh giới người - thần để theo học. Thầy không dạy trong giờ chính khóa, “dạy kèm” chỉ một học trò, vậy không phải dạy thêm, học thêm là gì?
Anh Tư Bốn cười đau cả bụng:
- Vậy, nếu thầy Chu Văn An sống ở thời đại này coi chừng bị xử lý kỷ luật, thậm chí có khi bị đình chỉ giảng dạy hổng chừng. Mà nếu vậy, làm sao có được câu chuyện người học trò là con trai thủy thần hy sinh tính mạng để làm mưa giúp dân qua cơn hạn hán, rất nhân văn.
Chú Tám gật đầu:
- Bởi vậy, tao thấy về bản chất dạy thêm, học thêm là đâu có xấu mà phải cấm. Vấn đề là Nhà nước mình “sắm” ra được cái “ông” quản lý thì phải làm tròn nhiệm vụ, quản lý sao cho tốt để việc dạy thêm, học thêm đừng bị lạm dụng, bị “biến dị gien”. Thời buổi hội nhập sâu với quốc tế mà cứ giữ tư duy hổng quản được thì cấm, nghe rầu quá!
Ong mật