Chú Tám xe ôm hào hứng kể:<br>
- Hổm nay tao theo dõi mấy cái "gêm xô" của Đài Truyền hình Vĩnh Long, mê quá bây.
Chú Tám xe ôm hào hứng kể:
- Hổm nay tao theo dõi mấy cái “gêm xô” của Đài Truyền hình Vĩnh Long, mê quá bây.
Anh Tư Bốn ngạc nhiên:
- Hồi giờ chú có quan tâm tới ba cái trò “xô chậu” đó đâu, sao giờ lại đâm mê?
Chú Tám cười:
- Bậy mầy, tao ghét là ba cái trò nhảm nhí, chớ còn mấy chương trình có ý nghĩa thì tao vẫn chú ý chớ. Như ở chương trình Sao nối ngôi, mấy thí sinh là con của nghệ sĩ cùng tranh tài, cái tao mê hổng phải là được nghe ca cải lương, mà mê là vì thông qua chương trình tao nhận thấy bộ môn nghệ thuật truyền thống vẫn còn được thế hệ trẻ quan tâm, tiếp nối.
Anh Tư Bốn đồng tình:
- Con cũng giống như chú. Hổm nay con cũng theo dõi chương trình Thử tài siêu nhí, thấy mấy thí sinh nhí do “ông Năm” Hữu Quốc huấn luyện ca vọng cổ, hát bài bản tài tử ngọt quá trời, con mừng muốn rớt nước mắt. Càng mừng hơn khi thấy khán giả ủng hộ rầm trời, chứng tỏ đờn ca tài tử vẫn tràn đầy sức sống.
Chú Tám trầm ngâm:
- Lâu nay, tao vẫn băn khoăn vì giới trẻ có xu hướng xa rời nghệ thuật truyền thống. Giờ tao “ngộ” ra, xa rời là vì không hiểu nên không cảm, không yêu. Phải chi Bộ GD-ĐT đẩy mạnh chương trình đưa nghệ thuật truyền thống vào các trường học, vùng miền nào thì đưa loại hình đó để cải lương, chèo, tuồng, hát bài chòi… đều có cơ hội. Rồi các đài truyền hình địa phương tổ chức tuyển chọn như Vĩnh Long đã làm, ngành văn hóa thì tạo cơ hội cho lớp tài năng trẻ có nhiều cơ hội xuất hiện trước công chúng, vậy thì các bộ môn nghệ thuật truyền thống mới được bảo tồn một cách bền vững. Chớ cứ chạy theo ba cái thị hiếu của nước ngoài là coi chừng… mất gốc hết!
Ong mật