Một khi quá lệ thuộc vào một thị trường nào đó, rủi ro là rất lớn. Giả sử không phải là Trung Quốc, mà nếu nông sản Việt chỉ lệ thuộc phần lớn vào Thái Lan, Nhật Bản, Hoa Kỳ... hay một quốc gia nào đó, rủi ro sẽ rất cao khi thị trường biến động.
Một khi quá lệ thuộc vào một thị trường nào đó, rủi ro là rất lớn. Giả sử không phải là Trung Quốc, mà nếu nông sản Việt chỉ lệ thuộc phần lớn vào Thái Lan, Nhật Bản, Hoa Kỳ... hay một quốc gia nào đó, rủi ro sẽ rất cao khi thị trường biến động. Thực tế, Trung Quốc là một thị trường đòi hỏi chất lượng hàng hóa và nông sản khá thấp, nên nếu chỉ chăm chăm xuất hàng sang nước này, về lâu dài, trình độ sản xuất trong nước khó có thể “lên tay”, khó xuất hàng đi các thị trường khó tính hơn với đồng lãi cao hơn.
Những kinh nghiệm xương máu về xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đã quá nhiều, từ quả vải đến quả thanh long, từ xoài ba mùa mưa đến cao su, sầu riêng, chôm chôm, nhãn… cho đến con cá, con heo, hạt gạo. “Bài” quen thuộc của thị trường này là đang mua hàng bình thường thì đột ngột dừng, khiến nông sản ùn tắc ở cửa khẩu, hoặc giá giảm đến mức thấp nhất mới có thể bán được. Do đó, cần tính kế lâu dài cho nông sản để nông dân bớt khổ.
Dĩ nhiên, rất khó để làm điều đó ngay trước mắt, bởi hiện tại sự lệ thuộc này vẫn rất phổ biến vì trình độ sản xuất của nông dân, xét ở mặt bằng chung, vẫn chỉ đủ đáp ứng cho các thị trường dễ tính như Trung Quốc. Theo Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, rau quả của Việt Nam đã được xuất khẩu đi trên 40 quốc gia trên thế giới, như: Trung Quốc, Nhật, Mỹ, Nga... Tuy nhiên, riêng thị trường Trung Quốc đã chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu và vẫn tăng đều qua các năm.
Nhiều chuyên gia nông nghiệp tâm huyết có chung trăn trở, rằng kế sách lâu dài vẫn là nâng chất lượng nông sản cho Việt Nam, tổ chức sản xuất lớn để đủ lực hướng đến những thị trường khó tính hơn, đàng hoàng hơn. Điều này Philippines đã làm thành công, tiêu biểu ở 2 mặt hàng chủ lực là chuối và dứa. Khi Trung Quốc ngưng nhập 2 loại nông sản này do những bất hòa trên biển, Philippines cũng gặp khó khăn. Song, ngay sau đó họ tìm cách chuyển hướng, tổ chức sản xuất lớn, nâng chất lượng và xuất khẩu đi các quốc gia tiên tiến khác: Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu… với kim ngạch lớn hơn và đồng lãi cao hơn. Có lẽ, Việt Nam cũng phải nhìn nhận điều này một cách nghiêm túc và bài bản, để ít nhất trong 5 năm hay 10 năm nữa, nông sản Việt đủ sức vươn ra tầm rộng hơn, thay vì chỉ loanh quanh vài thị trường lân cận dễ tính.
Một khi tiêu chuẩn tiêu dùng và sử dụng hàng hóa của người tiêu dùng trong nước cao hơn, trình độ sản xuất cao hơn đủ để đáp ứng những khách hàng khó tính, thì chuyện thoát khỏi sự lệ thuộc mới không còn khó nữa.
VI LÂM