Chú Tám xe ôm xuýt xoa:
- Báo chí viết về ông David Trần, người Mỹ gốc Việt, nghe mà ham. Từ hai bàn tay trắng, chỉ chí thú với nghề làm tương ớt mà ổng trở thành tỷ phú.
Chú Tám xe ôm xuýt xoa:
- Báo chí viết về ông David Trần, người Mỹ gốc Việt, nghe mà ham. Từ hai bàn tay trắng, chỉ chí thú với nghề làm tương ớt mà ổng trở thành tỷ phú.
Anh Tư Bốn bổ sung:
- Chuyện khởi nghiệp làm giàu từ tay trắng không mới lạ, cả thế giới đều có. Con chỉ phục ông David Trần ở chỗ ổng là đại gia thứ thiệt mà vẫn sống rất giản dị.
Chú Tám vỗ đùi đánh bốp:
- Tao đọc báo, có ông tổng giám đốc sáng lập Tập đoàn Shingmark giá trị hàng tỷ đô, vậy mà ổng vẫn ở ký túc xá với công nhân, đi xe đưa rước chung, mặc đồng phục và làm việc chăm chỉ mỗi ngày. Ông này cho rằng: “Quá nhiều tiền cũng nguy hiểm không kém gì sự nghèo đói”, bởi vậy ổng không có ý định để lại tiền cho con cái tiêu xài, tụi nó phải tự làm ra đồng lương, tự tiêu dùng một cách cân nhắc và tiết kiệm.
Cô Ba cà phê ngẩn người:
- Vậy tiền ổng để làm gì, chú?
Chú Tám giải thích:
- Ông này nói: “Số tiền của một người làm ra khi đã vượt quá nhu cầu tiêu dùng cá nhân thì nên được “trả” lại cho xã hội bằng những cách làm khác: xây trường học, bệnh viện, làm từ thiện”. Ổng hổng để tiền lại cho con cái, vậy chắc là ổng làm từ thiện.
Cô Ba ngẫm nghĩ:
- Ai cũng nghĩ như ông này, chắc thiên hạ chết hết.
Chú Tám ngạc nhiên:
- Tao thấy ổng quan niệm vậy là đúng đắn. Vừa không làm hư con cái, vừa đem lại ích lợi cho xã hội.
Cô Ba nói tỉnh rụi:
- Ở đâu con hổng biết, chớ ở nước mình chú hổng thấy đại gia, thiếu gia của mình toàn đua nhau ăn chơi, mua sắm, xài đồ hiệu. Ai cũng như ông tỷ phú này, mấy cái vũ trường, mấy cái shop hàng hiệu, xe hơi xịn sẽ dẹp tiệm. Mà theo lý thuyết hiệu ứng cửa kính vỡ gì đó hôm trước anh Tư nói, mấy cái cửa hiệu dẹp tiệm, công nhân không có việc làm sẽ không có tiền uống cà phê của quán con, cũng hổng có tiền đi xe ôm của chú, vậy là chết hết cả đám chớ sao.
Chú Tám nghe xong một tràng lý luận của cô Ba, chỉ kêu được một tiếng “Trời!”.
Ong mật