Dự ngày hội tòng quân ở một huyện, cảm xúc khó tả. Trăng thanh gió mát. Hơn 200 tân binh vui khỏe, vài ngàn nam thanh, nữ tú rộn ràng. Không có rượu, không có bài bạc, không có bạo lực, chen cướp, tranh giành, giẫm đạp, khác hẳn các lễ hội cổ truyền đang gây bão dư luận. Vậy, cảm nghĩ của "nhân vật chính" như thế nào?
Dự ngày hội tòng quân ở một huyện, cảm xúc khó tả. Trăng thanh gió mát. Hơn 200 tân binh vui khỏe, vài ngàn nam thanh, nữ tú rộn ràng. Không có rượu, không có bài bạc, không có bạo lực, chen cướp, tranh giành, giẫm đạp, khác hẳn các lễ hội cổ truyền đang gây bão dư luận. Vậy, cảm nghĩ của “nhân vật chính” như thế nào? Một tân binh trả lời:
- Khó nói quá. Nôn nao mấy ngày rồi. Năm trước được trúng tuyển, nhưng đến ngày giao quân huyết áp tăng cao, phải ở lại, năm nay quyết tâm rèn luyện sức khỏe nên được giao quân. Nhận thức được nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nên tôi rất vui. Ngày hội tòng quân được chính quyền, bà con, người thân quen quan tâm nên tôi càng vui, càng thấy rõ trách nhiệm của mình.
Hỏi một cô gái trong màu áo xanh thanh niên: “Sao có nước mắt?”. Cô gái bẽn lẽn:
- Chia tay người yêu, phải có nước mắt chớ. Nhưng hổng phải nước mắt buồn đau, vì chính em động viên ảnh tòng quân mà. Mong là trong môi trường quân đội, anh ấy sẽ rèn luyện bản lĩnh tốt hơn.
Từng nhóm, từng nhóm đang ngồi cùng nhau trao đổi, rù rì nói chuyện, râm ran cười đùa. Thấy có ống kính quay phim, chụp hình, chàng tân binh mặt đỏ bừng, đưa tay khép ba lô. Người mẹ trẻ phát nhẹ vai con:
- Để má xếp lại đồ đạc cho con, mắc cỡ cái gì!
Anh chàng mắc cỡ là phải, bởi vì trong ba lô hành trang mẹ sắp xếp có cả lọ muối tiêu, tăm xỉa răng, giấy vệ sinh. Chàng tân binh chống chế:
- Coi đó, má cứ làm như con là con nít, đi theo lo đủ thứ. Giờ con là lính rồi đó nha.
Tưng bừng, náo nhiệt, tràn đầy khí thế. Đúng là ngày hội, ngày hội của trách nhiệm nhưng đầy ắp tình người!
Ong mật