Báo Đồng Nai điện tử
En

Mong chính sách hỗ trợ người chăn nuôi nhỏ lẻ

11:09, 27/09/2017

Sau nhiều tháng giá heo hơi đứng ở mức thấp, hàng loạt hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã bỏ nghề vì phá sản. Hiện giá heo hơi có nhích hơn so với giai đoạn thấp điểm, nhưng với mức giá trên 30 ngàn đồng/kg như hiện nay, người nuôi heo vẫn chưa có lời.

Sau nhiều tháng giá heo hơi đứng ở mức thấp, hàng loạt hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã bỏ nghề vì phá sản. Hiện giá heo hơi có nhích hơn so với giai đoạn thấp điểm, nhưng với mức giá trên 30 ngàn đồng/kg như hiện nay, người nuôi heo vẫn chưa có lời.

Đa số các trại chăn nuôi nhỏ lẻ chưa mặn mà quan tâm đến việc đeo vòng truy xuất nguồn gốc cho heo. Ảnh chụp tại một hộ chăn nuôi tại xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu).
 

Vì thế, ngành chăn nuôi đang tiếp tục tái cấu trúc mạnh mẽ theo hướng chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình dẫn mất chỗ đứng, nhường chỗ cho chăn nuôi quy mô lớn, chuyên nghiệp, có lợi thế cạnh tranh tồn tại. Vậy những lao động trong chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ về đâu khi bỏ nghề? Người Nông Thôn (NNT) tui đem sự lo lắng này hỏi bà con nông dân:

- Bà con mình định tính toán ra sao khi bỏ nghề nuôi heo?

- Thời gian qua, nhiều người chăn nuôi ở độ tuổi còn trẻ bỏ nghề để chuyển sang làm công nhân, buôn bán, người lớn tuổi thì ở nhà để con nuôi. Trong thực tế, rất nhiều người chăn nuôi nhỏ lẻ buộc phải tiếp tục cầm cự theo nghề vì không thể chọn việc khác do họ thuộc lứa tuổi từ 40-50 tuổi trở lên. Và thu nhập từ chăn nuôi là nguồn sống chính của cả gia đình họ nên không biết xoay xở ra sao khi bỏ nghề.

- Ở nông thôn còn rất nhiều công việc trồng trọt hoặc nuôi các vật nuôi khác ngoài con heo để bà con mình lựa chọn?

- Đa số các hộ nuôi heo nhỏ lẻ đều theo nghề này từ 20-30 năm nay. Vì chăn nuôi nhỏ lẻ nên chúng tôi không có vốn cũng như quỹ đất để chuyển đổi sang các mô hình trồng trọt. Chúng tôi cũng không biết sẽ chuyển sang nuôi con gì thay con heo vì hoàn toàn mù mịt về nhu cầu thị trường. Chọn nghề khác, chúng tôi đã quá lớn tuổi để xin vào làm công nhân hoặc đi ra bươn chải ở các khu vực thành thị như người trẻ.

 - NNT tui được biết hàng năm Nhà nước đều rót nguồn kinh phí không nhỏ cho hoạt động dạy nghề nông thôn. Các hộ chăn nuôi có thể tham gia các lớp học này để được định hướng và đào tạo để tìm được nghề  phù hợp?

- Các chương trình dạy nghề nông thôn hiện vẫn mang tính hình thức chứ chưa đi vào chuyên sâu và theo sát nhu cầu thực tế tại địa phương. Trong khi đó, hiện có hàng chục ngàn, thậm chí cả triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang và sẽ có nhu cầu chuyển đổi nghề. Chúng tôi mong Nhà nước quan tâm có chính sách hỗ trợ và chương trình định hướng chuyển đổi nghề nghiệp dành riêng cho nhóm lao động lớn tuổi này.

Người Nông Thôn

Tin xem nhiều