Theo thông tin từ Báo Tuổi Trẻ, trong 3 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã chi khoảng 183 triệu USD (tương đương với hơn 4 ngàn tỷ đồng) để nhập khẩu các loại thuốc trừ sâu, trừ bệnh, trừ cỏ..., trong đó sản phẩm nhập từ Trung Quốc chiếm trên 50% tổng nhập khẩu...
Theo thông tin từ Báo Tuổi Trẻ, trong 3 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã chi khoảng 183 triệu USD (tương đương với hơn 4 ngàn tỷ đồng) để nhập khẩu các loại thuốc trừ sâu, trừ bệnh, trừ cỏ..., trong đó sản phẩm nhập từ Trung Quốc chiếm trên 50% tổng nhập khẩu.
Trước thực trạng nhập khẩu thuốc trừ sâu và hóa chất bảo vệ thực vật không ngừng tăng nhanh ở mức báo động suốt thời gian qua; ThS. Trần Thị Phương Chi, người đi tiên phong trồng lúa sạch ở Đồng Nai với sản phẩm gạo sạch Tân Bình Lục (huyện Vĩnh Cửu), chia sẻ: với các loại hóa chất bảo vệ thực vật, nhất là thuốc trừ sâu, rầy, nông dân mình ít khi sử dụng đúng theo hướng dẫn.
Họ thường pha đặc hơn vì nghĩ sẽ tăng hiệu quả. Thực tế, việc phun thuốc quá liều gây rất nhiều tai hại, như: sâu rầy lờn thuốc; bản thân cây trồng cũng kháng thuốc; chi phí tăng; dư lượng tồn dư trên sản phẩm vượt quá mức cho phép; gây hại cho môi trường và cộng đồng mà chính sức khỏe người nông dân bị ảnh hưởng trước tiên.
Theo NNT tui được biết, hiện mỗi năm Việt Nam nhập khẩu hàng trăm ngàn tấn gạo từ Campuchia, vốn là đất nước phải học Việt Nam về kỹ thuật trồng lúa nước. Trong khi đó, giá gạo trong nước luôn trồi sụt do gặp khó khăn về đầu ra, nhưng người tiêu dùng lại ngày càng ưa chuộng gạo Campuchia vì cho là sản phẩm này an toàn hơn hàng trong nước đang sản xuất lạm dụng quá nhiều hóa chất.
Thu nhập từ cây lúa quá thấp. Nông dân chúng tôi buộc phải mạnh tay đầu tư phân, thuốc, tăng năng suất để có lợi nhuận tốt hơn.
Ngược với cách nghĩ của bà con, ThS. Trần Thị Phương Chi cho rằng, việc lạm dụng thuốc trừ sâu là nguyên nhân chính làm giảm lợi nhuận của nông dân. ThS. Chi so sánh: chi phí đầu tư cho 1 hécta lúa sạch với sản xuất theo cách lạm dụng thuốc, phân hóa học là tương đương nhau. Nhưng khi sản xuất theo hướng hữu cơ, đất được cải tạo dần thì năng suất bình quân của lúa sạch ngày càng tăng, giá bán tốt hơn nên lợi nhuận 1 hécta lúa sạch hiện đạt gấp rưỡi, gấp đôi sản xuất thường.
Tương tự, 1 cây bưởi trồng theo hướng hữu cơ, sử dụng các loại thiên địch trong phòng trừ sâu, bệnh thay cho thuốc hóa học và sử dụng bao trái, chi phí đầu tư chỉ khoảng 700 ngàn đồng/năm, nhưng chi phí này lại bị đẩy lên đến 1,5 -2 triệu đồng/năm nếu lạm dụng phân, thuốc. Như vậy, sản xuất sạch tuy không thấy ngay cái lợi trước mắt nhưng có nhiều lợi ích lâu dài, đạt lợi nhuận cao hơn hẳn.
Người Nông thôn