Các mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và những tiêu chuẩn toàn cầu khác ngày càng được nhân rộng.
Các mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và những tiêu chuẩn toàn cầu khác ngày càng được nhân rộng. Nhưng vẫn chưa thể giải quyết nổi thực tế là người tiêu dùng khát thực phẩm sạch trong khi nông dân lại gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm GAP. Người Nông Thôn (NNT) tui đem điều này trao đổi với bà con.
- Sản phẩm VietGAP bà con bán đi đâu?
- Kênh tiêu thụ chính của các hợp tác xã rau an toàn, xoài, bưởi VietGAP... vẫn là các chợ truyền thống và được thương lái thu mua như hàng thường.
- Theo NNT, bà con mình vẫn có thể tạo uy tín về sản phẩm sạch với các bà nội chợ thích đi chợ truyền thống?
- Thực hành sản xuất theo quy trình GAP, nông dân chúng tôi phải tuân thủ chặt chẽ quy trình, từ việc không được nuôi gà trong vườn cây, phải xây kho đóng gói trái cây đạt chuẩn vệ sinh... tránh mọi nguy cơ nhiễm khuẩn vào sản phẩm. Nhưng khi mang ra chợ truyền thống, rau cỏ, trái cây có khi bị đổ đống ngay trên nền đất, được tẩm ướp thêm đủ thứ khói xe, bùn bẩn thì liệu sản phẩm còn an toàn? Chưa kể, chi phí sản xuất theo chuẩn bao giờ cũng cao hơn sản xuất bình thường, nhưng giá bán lại như nhau.
- NNT tui được biết, dự án nâng cao năng lực cạnh tranh trong ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm Lifsap đã đầu tư chuẩn hóa nhiều khu chợ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tiểu thương cũng được tập huấn những kiến thức để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hy vọng sự hỗ trợ này sẽ nhân rộng thêm các mặt hàng nông sản khác.
- Hỗ trợ là một phần. Nông dân chúng tôi cũng rất mong Nhà nước quan tâm hơn trong công tác quản lý, đặt ra những quy chuẩn trong cả khâu vận chuyển, kinh doanh nông sản để thương lái, tiểu thương cũng phải có trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm để nông sản sạch thật sự an toàn khi đến tay người tiêu dùng.
Người Nông Thôn