Hiện nay, nhu cầu trao đổi thông tin ngày càng cần thiết, nên ở nông thôn, nhiều nông dân cũng sắm điện thoại di động để dễ dàng liên lạc với người thân hoặc các đại lý, thương lái để bán nông sản…
Hiện nay, nhu cầu trao đổi thông tin ngày càng cần thiết, nên ở nông thôn, nhiều nông dân cũng sắm điện thoại di động để dễ dàng liên lạc với người thân hoặc các đại lý, thương lái để bán nông sản… Đã có không ít kẻ dùng tin nhắn hoặc gọi điện thoại trực tiếp để lừa đảo. Một số nông dân bức xúc nói với Người Nông Thôn (NNT) tui:
- Bây giờ nhận được tin nhắn trong điện thoại di động, hay một cuộc gọi có số lạ là tụi tui cảnh giác cao độ.
- NNT nghĩ chỉ là một tin nhắn vào số máy di động của mình, nếu họ nhắn nhầm thì mình xóa hoặc gọi nhầm thì mình nói cho họ biết rồi cúp máy, làm gì nghiêm trọng đến mức bà con phải “cảnh giác cao độ”.
- Nếu chỉ là tin nhắn vô thưởng vô phạt hay một cuộc gọi nhầm vào máy của mình thì đâu có gì để nói. Đằng này tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo rất khéo léo khiến không ít nông dân cả tin bị lừa mới ức chứ.
- NNT cũng có nghe thông tin là một số tin nhắn đến các số máy nói ai có nhu cầu cần biết về con đường tình cảm, về công việc, vận hạn hoặc quay trúng thưởng… nhắn tên tuổi gửi về cho họ. Nhiều người vì tò mò, cả tin đã gửi tin nhắn và bị trừ 15 ngàn đồng cho một lần nhắn tin.
- Ui dào, cái đó xưa rồi, bây giờ mấy vụ đó rất khó lừa được tụi tui.
- Vậy các tổng đài “dỏm” lại nghĩ ra chiêu lừa mới cao siêu hơn sao?
- Không, lần này một số nông dân tụi tui bị các số điện thoại di động lạ lừa ngoạn mục hơn nhiều.
- NNT nghe mà thấy hồi hộp, có gì mấy bác nông dân nói rõ ra để bà con mình cùng biết mà tránh.
- Bọn lừa đảo này thường giả danh nhà mạng, nhắn tin hoặc gọi điện đến số máy của một số nông dân nói là số máy này đã trúng thưởng xe máy và tiền mặt trong đợt khuyến mãi của nhà mạng. Sau một hồi hỏi tên tuổi, ngày tháng năm sinh, số chứng minh thư, địa chỉ thường trú, bọn chúng giở thêm một số ngón nghề để tăng sự tin cẩn của đối phương, như: phần thưởng này phải đến nhận trong vòng 1 tháng và tên tuổi, địa chỉ sẽ được công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng… Rồi cuối cùng, chúng giở chiêu nói, chủ nhân của số máy phải mua 5-10 thẻ cào điện thoại mệnh giá từ 100 đến vài trăm ngàn đồng, cào và đọc mã số cho chúng để kích hoạt số trúng thưởng. Không ít người tin tưởng đã mua thẻ cào đọc mã số cho chúng, kết quả mất vài trăm đến vài triệu đồng mà không biết kêu ai.
- NNT thấy bọn lừa đảo dùng chiêu này quả là cao tay, thôi thì bà con mình từ nay phải cảnh vậy.
Người Nông Thôn