Hiện nay, toàn tỉnh có trên 70 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đang hoạt động, song số HTX làm ăn đạt hiệu quả rất ít, nhiều HTX thành lập ra hoạt động yếu. Có không ít nguyên nhân khiến các HTX nông nghiệp chưa phát huy được vai trò của mình.
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 70 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đang hoạt động, song số HTX làm ăn đạt hiệu quả rất ít, nhiều HTX thành lập ra hoạt động yếu. Có không ít nguyên nhân khiến các HTX nông nghiệp chưa phát huy được vai trò của mình. Nhưng nguyên nhân chính vẫn là nông dân chưa thực sự mặn mà với việc tham gia, đóng góp cho HTX. Một số nông dân nói với Người Nông Thôn (NNT) tui:
- Nếu HTX đem lại lợi ích, tụi tui mới tích cực đăng ký chứ. Còn vào chỉ để cho có và phải đóng góp vốn điều lệ nhưng hoạt động không hiệu quả thì trở thành xã viên làm gì?
- Mục đích của bà con nông dân mình vào HTX là để có diện tích lớn, sản xuất theo cùng một quy trình, nông sản làm ra số lượng cao, đồng đều, đáp ứng được đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Đồng thời, đối tác muốn mua hàng của nông dân cũng dễ dàng ký hợp đồng, hơn là sản xuất theo kiểu đơn lẻ.
- Tụi tui cũng biết thế, song đấy mới chỉ là lý thuyết. Thực tế, nhiều HTX nông nghiệp đã được hưởng lợi gì đâu?
- Theo NNT tui, vào HTX tất cả các xã viên đều phải cố gắng và thể hiện trách nhiệm xây dựng chứ không thể chỉ trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước. Ví dụ như HTX xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc), sau khi thành lập tuy được Nhà nước hỗ trợ, song tự thân ban chủ nhiệm và các xã viên thống nhất áp dụng khoa học kỹ thuật để đẩy cao năng suất, tự tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhờ có HTX mà năng suất cây trồng tăng lên, đầu ra thuận lợi và thu nhập của xã viên cao hơn nhiều lần so với khi còn sản xuất manh mún.
- Hiện số HTX nông nghiệp làm ăn hiệu quả chỉ tính trên đầu ngón tay, còn lại là yếu kém nên tụi tui còn băn khoăn, thậm chí “ngán” được là xã viên HTX.
- Nếu đa số bà con nông dân mình đều ngại và không muốn vào HTX, thì đến bao giờ nông sản chúng ta làm ra mới hết bị cảnh “được mùa rớt giá”. Thời gian qua, nhiều loại nông sản của nông dân trong tỉnh khá nổi tiếng như: chôm chôm, sầu riêng, bưởi… được doanh ngiệp nước ngoài đặt hàng với số lượng lớn và giá cao, nhưng lại không thể ký hợp đồng vì sản xuất mỗi người một quy trình, không đáp ứng yêu cầu của phía đối tác. Khi doanh nghiệp muốn đầu tư tạo vùng nguyên liệu, lại không làm được vì không thể xuống ký hợp đồng với từng hộ. Lâu nay, nông sản làm ra thường bị tư thương ép giá, cơ bản là nông dân chưa biết tập hợp nhau lại nhằm sản xuất theo hướng có lợi nhất. Chính vì vậy, HTX là tổ chức được lập ra để phát huy sức mạnh tập thể của từng xã viên. HTX còn là nơi xã viên trao đổi kinh nghiệm, học tập, giúp nhau thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất - kinh doanh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Về lâu dài, nếu không liên kết lại, nông dân sẽ tiếp tục “thua” ngay trên sân nhà.
Người Nông Thôn