Hiện nay ở các tỉnh miền Tây, nhiều nông dân trồng lúa đã giảm được một phần chi phí nhờ dùng máy cấy lúa thay cho phương pháp gieo sạ truyền thống.
Hiện nay ở các tỉnh miền Tây, nhiều nông dân trồng lúa đã giảm được một phần chi phí nhờ dùng máy cấy lúa thay cho phương pháp gieo sạ truyền thống. Cách làm này vừa tiết kiệm được giống, công lao động, dễ chăm sóc và rút ngắn thời gian gieo trồng để kịp mùa vụ. Tại Đồng Nai, tuy diện tích lúa khoảng 70 ngàn hécta/năm và riêng vụ mùa trên 30 ngàn hécta, song nói đến máy cấy lúa không ít nông dân còn tỏ ra ngỡ ngàng! Đa số nông dân trong tỉnh vẫn làm theo phương pháp truyền thống là gieo sạ lúa bằng tay. Phương pháp gieo sạ bằng tay tốn rất nhiều giống, lúa mọc không đều, không thẳng hàng, dẫn đến khó chăm sóc và sâu bệnh nhiều hơn. Một số kỹ sư nông nghiệp nói với Người Nông Thôn (NNT) tui:
Máy cấy lúa hiện nay chỉ khoảng 25 triệu đồng/cái, so với máy gặt đập liên hợp chỉ bằng 1/8, nhưng đa số nông dân lại chưa biết đến để sử dụng. Nếu dùng máy cấy lúa, nông dân sẽ tiết kiệm được 1/3 lượng giống tương đương 800 ngàn đồng/hécta/vụ so với gieo sạ bằng tay. Đồng thời, máy cấy lúa có thể cấy được 10 hécta/ngày bớt cho nông dân nỗi lo thiếu lao động mùa vụ. Bên cạnh đó, dùng máy cấy lúa còn rút ngắn thời gian mùa vụ khoảng 15-17 ngày. Như vậy, trong vụ mùa, vụ đông-xuân bà con hạn chế được tình trạng hạn cuối vụ. Ngoài ra, còn có thể xuống giống đồng loạt trên cùng một cánh đồng, sẽ dễ chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt bệnh rầy nâu.
Lao động nông nghiệp của tỉnh đang ngày một thiếu, giá công lao động vào vụ khoảng 150 - 160 ngàn đồng/ngày. Không ít nông dân có diện tích lớn than thở, vào mùa vụ nhiều khi trả giá cao cũng không thuê được nhân công, đành phải sản xuất không đúng thời vụ. Đây là thực trạng đang diễn ra ở nhiều địa phương trong tỉnh, vì thế việc cơ giới hóa trong trồng trọt để giảm công lao động là vấn đề đang trở nên bức thiết. Thế nhưng, để nông dân tự lặn lội xuống miền Tây tìm mua máy móc và sử dụng thì rất hiếm người làm được. Nếu ngành nông nghiệp hỗ trợ xây dựng mô hình điểm ngay trên địa bàn tỉnh để nông dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm chắc sẽ có nhiều hộ “tai nghe, mắt thấy” và mạnh dạn đầu tư.
Người Nông Thôn