Báo Đồng Nai điện tử
En

Đừng vì cái lợi trước mắt!

09:08, 11/08/2011

Lâu nay, nông sản và trái cây của nông dân trong tỉnh sản xuất ra đa số bán cho thương lái. Vào đầu vụ, sản phẩm thường bán với giá khá cao, nhưng đến khi thu hoạch rộ giá giảm dần, có khi giảm dưới giá thành.

Lâu nay, nông sản và trái cây của nông dân trong tỉnh sản xuất ra đa số bán cho thương lái. Vào đầu vụ, sản phẩm thường bán với giá khá cao, nhưng đến khi thu hoạch rộ giá giảm dần, có khi giảm dưới giá thành. Do đó, sau vụ thu hoạch ngồi tính toán kỹ lại mới thấy lợi nhuận của nông dân rất thấp. Nỗi lo lớn nhất của nông dân luôn là đầu ra cho sản phẩm của mình. Đúc kết vấn đề này, mọi người đều thấy được nguyên nhân nông dân thu hoa lợi kém là do sự liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp) còn lỏng lẻo. Đặc biệt, mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ nên luôn xảy ra tình trạng, nông dân khó bán sản phẩm, còn doanh nghiệp lại không mua đủ hàng để chế biến và xuất khẩu.

Theo một cán bộ của ngành nông nghiệp tỉnh, trong mối  quan hệ “4 nhà” thì yếu tố quyết định nhất là sự hợp tác giữa doanh nghiệp với nông dân. Nếu “2 nhà” bắt tay siết chặt sẽ có được quy trình sản xuất khép kín, từ sản xuất, tiêu thụ đến chế biến. Còn nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ chính sách khuyến nông và nhà khoa học thực hiện chuyển giao kỹ thuật để tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm.

Trên thực tế, mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp lâu nay chưa giữ được chữ tín. Cụ thể như chuyện của trái sầu riêng DONA, phía doanh nghiệp đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng đầu tư cho nông dân từ khâu giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật để mua lại sản phẩm với giá bao tiêu đảm bảo cho nông dân có lời. Thế nhưng, vào đầu vụ trái cây, thương lái vào vườn mua với giá cao hơn 3-4 ngàn đồng/kg, vậy là nhiều nhà vườn phá hợp đồng với công ty. Song, nhiều nhà vườn chỉ bán được đợt đầu với số lượng không nhiều, sau đó đến thời điểm thu hoạch rộ thì thương lái trả giá thấp hơn giá doanh nghiệp bao tiêu từ 4-5 ngàn đồng/kg. Vậy là, nông dân quay lại tìm công ty bán hàng. Thế nhưng, vườn cây nào đã bán cho thương lái thường bị lựa hết những trái ngon, trái đẹp và quá trình thu hái nông dân thường không chấp hành đúng quy trình kỹ thuật của doanh nghiệp nên những trái ra sau, chín trễ thường không đảm bảo về mẫu mã và chất lượng. Kết cục là nông dân phải bán sản phẩm với giá rẻ, còn doanh nghiệp không có hàng xuất khẩu. Thiệt thòi cả hai bên cùng phải gánh chịu.

Để có mối liên hệ chặt chẽ, cả hai bên cùng có lợi và phát triển bền vững thì cả nông dân và doanh nghiệp phải giữ chữ tín, chia sẻ lợi nhuận, khó khăn với nhau. Ví như cây mía ở vùng Vĩnh Cửu, Trảng Bom trong niên vụ 2010-2011 có nhiều thương lái đến tận ruộng hỏi mua mía với giá cao hơn Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An bao tiêu từ 50- 100 ngàn đồng/tấn nhưng nông dân vẫn không phá hợp đồng. Vì bà con nghĩ việc giữ chữ tín , không phá hợp đồng thì ổn định tiêu thụ sản phẩm vẫn có lợi hơn nhiều. Bởi, doanh nghiệp còn hàng loạt chính sách ưu đãi khác dành cho nông dân khi ký kết và thực hiện theo đúng hợp đồng.

         Người Nông thôn

 

Tin xem nhiều