Báo Đồng Nai điện tử
En

Sản xuất lúa: 1 giảm 5

09:07, 14/07/2011

Mỗi năm còn rất nhiều nông dân Đồng Nai gieo trồng theo quy trình canh tác “3 giảm 3 tăng” gồm: giảm giống, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật; tăng năng suất, tăng chất lượng và tăng thu nhập. Quy trình này đem lại hiệu quả tương đối cao cho các hộ.

Mỗi năm còn rất nhiều nông dân Đồng Nai gieo trồng theo quy trình canh tác “3 giảm 3 tăng” gồm: giảm giống, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật; tăng năng suất, tăng chất lượng và tăng thu nhập. Quy trình này đem lại hiệu quả tương đối cao cho các hộ. Cụ thể, năng suất mỗi năm tăng khoảng 0,2 tấn/hécta. Thế nhưng gần đây Người nông thôn (NNT) tui nghe một số cán bộ nông nghiệp trong tỉnh nhắc đến mô hình “1 phải, 5 giảm” trong trồng lúa được nông dân miền Tây áp dụng đem lại hiệu quả cao hơn  nhiều so với mô hình “3 giảm 3 tăng”.

Theo đánh giá của các kỹ sư nông nghiệp thì mô hình mới trong trồng lúa ở miền Tây cao hơn hẳn một bậc so với mô hình trồng lúa Đồng Nai đang áp dụng. Nếu triển khai rộng rãi chương trình “1 phải, 5 giảm” với cây lúa, nông dân sẽ thu được rất nhiều cái lợi cùng lúc. Vì “1 phải, 5 giảm” ở đây là phải dùng giống xác nhận và giảm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm lần tưới, số nước tưới và giảm thất thoát sau thu hoạch. Những điểm mới của quy trình trên nông dân chỉ sử dụng những giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao đã được thử nghiệm, xác nhận của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn. Trong 5 giảm thì có 3 bước nông dân trong tỉnh đã và đang thực hiện, còn giảm lần tưới, số nước tưới và giảm thất thoát sau thu hoạch là chưa triển khai thực hiện rộng rãi.

Thực tế, khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, vào những thời điểm thiếu nước, các công trình thủy lợi của tỉnh cũng đã thực hiện việc giảm lần tưới, giảm số nước tưới để tiết kiệm nguồn nước dự trữ tại các hồ đập, giảm khả năng thiếu nước cho cây lúa và một số cây trồng khác. Biện pháp này áp dụng trên diện rộng sẽ đem lại hiệu quả lớn cho Đồng Nai. Vì vào vụ đông-xuân, năng suất cây trồng cao gấp 1,2 - 2 lần các vụ khác, nhiều khu vực của tỉnh thiếu nguồn nước tưới, phải bỏ sản xuất. Bên cạnh đó, tiết kiệm nguồn nước tưới giúp nông dân chủ động được sản xuất theo đúng mùa vụ. Còn giảm thất thoát sau thu hoạch tuy được ngành nông nghiệp của tỉnh chú ý và có vận động người dân làm, song hiệu quả còn thấp. Do đó, tổn thất sau thu hoạch của cây lúa trong tỉnh lên đến trên 12%, tương đương 39 ngàn tấn lúa/năm. Giảm bớt thất thoát ở khâu này mỗi năm nông dân Đồng Nai có thêm hàng trăm tỷ đồng.

Theo nhận định của ngành nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp ngày một khó khăn vì nông dân phải đối mặt với hàng loạt thách thức như: thời tiết, dịch bệnh, giá cả bấp bênh. Vì thế áp dụng các quy trình mới vào sản xuất, nông dân giảm chi phí đầu tư trong khi năng suất, chất lượng vẫn tăng.

Người Nông Thôn

 

Tin xem nhiều