Mấy năm gần đây, ngành nông nghiệp Đồng Nai quan tâm, đầu tư khá nhiều cho việc hướng dẫn nông dân sản xuất rau an toàn. Nhiều câu lạc bộ, hợp tác xã rau trong tỉnh đã và đang từng bước sản xuất theo quy trình này.
Mấy năm gần đây, ngành nông nghiệp Đồng Nai quan tâm, đầu tư khá nhiều cho việc hướng dẫn nông dân sản xuất rau an toàn. Nhiều câu lạc bộ, hợp tác xã rau trong tỉnh đã và đang từng bước sản xuất theo quy trình này. Từ đó, chất lượng rau từng bước được cải thiện. Cụ thể , gần đây ngành nông nghiệp tỉnh tổ chức các đợt lấy mẫu rau ăn lá, ăn quả ở các địa phương để kiểm tra tồn dư thuốc bảo vệ thực vật với kết quả những mẫu rau vượt mức an toàn đã giảm đáng kể. Thế nhưng, rau canh tác theo quy trình an toàn với rau sản xuất theo thói quen cũ khi đưa ra chợ bán cho người tiêu dùng vẫn lẫn lộn, giá bán như nhau. Một số nông dân trồng rau an toàn nói với Người nông thôn (NNT) tui:
- Sản xuất rau an toàn tốn kém và vất vả hơn nhiều so với trồng rau bình thường, song đến khi đem ra chợ bán thì giá chẳng cao hơn các loại rau trôi nổi khác. Quả là thiệt thòi cho nhà nông đầu tư áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới.
- NNT tui thấy gần đây nhận thức của người tiêu dùng nâng lên rõ rệt, nhiều người sẵn sàng chấp nhận mua nông sản, thực phẩm an toàn với giá mắc hơn để đảm bảo sức khỏe.
- Đúng vậy, song nông dân trồng rau an toàn và rau không an toàn đều bán cho thương lái cùng một giá để đem ra chợ, nên người mua không phân biệt được đâu là rau an toàn hoặc không an toàn. Đôi khi nông dân trồng rau an toàn còn bị thiệt thòi là rau không đẹp bằng rau trôi nổi, giá bán thấp hơn...
- NNT nghe nói, các hợp tác xã, CLB sản xuất rau an toàn trong tỉnh được các hệ thống siêu thị đặt hàng?
- Có, nhưng lượng hàng các hệ thống siêu thị đặt chỉ vài trăm kilôgam/ngày, trong khi khả năng cung cấp của các CLB, HTX lên đến hàng chục tấn/ngày. Vì vậy, đa số rau vẫn phải bán cho thương lái tiêu thụ tại các chợ là chính. Giá như tại các chợ có những cửa hàng bán rau an toàn sẽ có lợi cho cả người tiêu dùng lẫn người sản xuất.
Đồng Nai là tỉnh có diện tích sản xuất rau ăn lá, ăn quả khá lớn với trên 10 ngàn hécta/năm, hàng năm cung cấp ra thị trường hơn 100 ngàn tấn rau. Có những huyện đã hình thành các vùng chuyên canh rau lớn, như: Xuân Lộc, Thống Nhất, Tân Phú... Tuy nhiên đến nay, ngoài hệ thống các siêu thị bán rau an toàn thì các chợ ở Đồng Nai vẫn chưa có nơi nào có được cửa hàng chuyên bán rau an toàn. Đây cũng chính là thiệt thòi cho cả người tiêu dùng lẫn nông dân sản xuất rau an toàn của tỉnh.
Người Nông Thôn