Năm nay do ảnh hưởng của thời tiết, vụ thu hoạch chôm chôm trễ khoảng một tháng. Đúng thời điểm thu hoạch rộ chôm chôm thì trái vải cũng vào vụ. Do đụng trái vải nên trái chôm chôm thường bán tại vườn rớt xuống chỉ còn khoảng 2 ngàn đồng/kg.
Năm nay do ảnh hưởng của thời tiết, vụ thu hoạch chôm chôm trễ khoảng một tháng. Đúng thời điểm thu hoạch rộ chôm chôm thì trái vải cũng vào vụ. Do đụng trái vải nên trái chôm chôm thường bán tại vườn rớt xuống chỉ còn khoảng 2 ngàn đồng/kg. Với giá chôm chôm như trên, nông dân chỉ huề vốn, vì năm nay chi phí đầu vào cao hơn năm trước. Một số bà con nông dân nói với Người nông thôn (NNT) tui:
- Đầu mùa giá chôm chôm thường bán tại vườn được 7-8 ngàn đồng/kg, nông dân tụi tui ai cũng mừng. Đâu ngờ chỉ được hơn tuần, vào chính vụ giá bắt đầu hạ liên tiếp xuống còn 2 ngàn đồng/kg.
- NNT tui thấy, vụ nào vào thời điểm thu hoạch rộ trái chôm chôm cũng như các trái cây khác đều bị rớt giá.
- Đúng thế, nhưng năm nay mùa khô cũng có mưa khiến cây chôm chôm cho trái trễ hơn mọi năm khoảng một tháng, gặp đúng dịp trái vải đang rộ giá mới giảm mạnh và khó bán như vậy.
- Đầu ra của trái chôm chôm gặp khó là do bà con mình còn sản xuất manh mún, chưa theo quy trình GAP (thực hành nông nghiệp tốt) nên không thể xuất khẩu được. Mới đây NNT tui nghe có một hợp tác xã dưới miền Tây làm theo quy trình GAP xuất khẩu được chôm chôm qua Mỹ với giá khá cao.
- Gần 3 năm trước, nông dân tụi tui cũng nghe nói một doanh nghiệp của Mỹ muốn ký hợp đồng mua trái chôm chôm ở Đồng Nai nhưng đòi hỏi phải làm theo quy trình GlobalGAP. Sau đó cũng thấy các ngành chức năng đề xuất canh tác theo GlobalGAP nhưng không hiểu sao đến nay vẫn chưa làm được (!?).
- Muốn có được chứng nhận GAP cho trái chôm chôm, bà con nông dân phải tuân thủ những yêu cầu cơ bản, như: có diện tích lớn, cây chôm chôm trồng chuyên canh theo cùng một quy trình đảm bảo an toàn, trong khu vực trồng chôm chôm không được ở và chăn nuôi…Tuy có một số quy trình bà con mình đã làm, song còn nhiều khâu vẫn làm theo thói quen truyền thống nên chưa thực hiện được.
- Nông dân tụi tui cũng muốn làm theo quy trình GAP, song có chắc hàng làm ra sẽ bán hoặc xuất khẩu được giá cao?
- Trái cây trong nước hiện nay chịu sự cạnh tranh rất lớn của trái cây nhập ngoại, nếu bà con sản xuất theo biện pháp truyền thống, không đảm bảo chất lượng thì người tiêu dùng trong nước cũng sẽ quay lưng lại. Đến lúc đó, bà con sẽ mất cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.
Đồng Nai hiện có trên 11 ngàn hécta chôm chôm và là nơi nổi tiếng với đặc sản chôm chôm Long Khánh. Song từ nhiều năm nay, trái chôm chôm thường gặp cảnh được mùa rớt giá. Gần 3 năm qua, trái chôm chôm Đồng Nai bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu là vì chưa sản xuất theo quy trình GAP.
Người Nông Thôn