Mua cây giống không rõ nguồn gốc, sau vài năm cây có trái chất lượng kém nông dân gánh chịu hậu quả là chuyện không hiếm. Không chỉ mua trôi nổi, gần 20 hộ nông dân ở huyện Vĩnh Cửu mua giống bưởi từ một Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả cũng phải ngậm đắng.
Mua cây giống không rõ nguồn gốc, sau vài năm cây có trái chất lượng kém nông dân gánh chịu hậu quả là chuyện không hiếm. Không chỉ mua trôi nổi, gần 20 hộ nông dân ở huyện Vĩnh Cửu mua giống bưởi từ một Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả cũng phải ngậm đắng. Vì sau 4-5 năm chăm sóc, cây bưởi có trái nhưng chất lượng rất kém đành phải chặt bỏ để trồng lại, vừa tốn tiền đầu tư lại mất thêm 4-5 năm nữa mới có trái thu hoạch. Một số nông dân nói với Người nông thôn (NNT) tui:
- Cây bưởi trồng phải 4-5 năm mới cho trái nhiều nên để chắc ăn, tụi tui chọn mua giống của Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả. Ai dè, khi cây cho trái chất lượng quá kém. Tưởng cây bưởi năm đầu cho trái chất lượng chưa ổn định, đợi thêm 1-2 vụ nữa nhưng chất lượng cũng chẳng khá hơn đành phải chặt bỏ.
- Sao trước khi đưa vào trồng trên diện tích lớn, bà con mình không trồng thí điểm trước một vài cây?
- Tụi tui nghe nói giống bưởi đường lá cam ghép gốc chanh này đã được trồng thí điểm ở một số tỉnh, hiệu quả khá cao. Với lại đây là trung tâm lớn có uy tín nên tụi tui cũng tin tưởng.
- Trồng bưởi 4-5 năm mới được thu hoạch, vốn đầu tư cũng lớn, giờ phải chặt bỏ bà con mình chắc cũng mất nhiều tiền?
- Bưởi trồng mới một năm tốn khoảng 5-6 triệu đồng/sào (1.000 m2) cho việc đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc… Khoảng 4-5 năm sau cây mới cho trái nhiều, riêng tiền đầu tư hết từ 20-30 triệu đồng/sào, chưa kể mấy năm liền không có thu. Thế nhưng, hiện trái bưởi không ăn được phải chặt bỏ, trồng mới tụi tui lại mất thêm 4-5 năm nữa mới được thu hoạch. Như vậy, số tiền bị mất do cây giống kém chất lượng sẽ tăng gấp 2-3 lần.
- Cây bưởi kém chất lượng phải chặt bỏ sao bà con mình không đề nghị Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả hỗ trợ để có vốn đầu tư trồng lại?
- Tụi tui cũng đã có kiến nghị với Trung tâm này hỗ trợ để có vốn đầu tư trồng lại cây bưởi. Song, mỗi hộ chỉ nhận được vài chục kilôgam phân bón. Đợi mãi không được, tụi tui đành phải chặt bỏ và tự mua giống, vay vốn đầu tư trồng lại giống bưởi khác.
Hàng chục hộ nông dân trồng bưởi ở Vĩnh Cửu đã phải ngậm đắng vì mua và trồng phải giống bưởi kém chất lượng, hộ ít thì nửa sào, hộ nhiều trên 3 sào. Nếu cộng dồn lại, thiệt hại của các hộ sẽ lên đến hàng tỷ đồng, chưa kể số tiền họ bỏ ra đầu tư trồng lại và phải chờ đợi thêm vài năm nữa mới được thu hoạch.
Người Nông Thôn