Khoảng 2-3 năm lại đây, diện tích trồng mía trên địa bàn Đồng Nai tăng nhanh. Năm 2011, dự tính diện tích trồng mía trong tỉnh gần 9 ngàn hécta. Sở dĩ diện tích mía tăng nhanh là do đầu ra ổn định, giá cao, giúp nông dân lời từ 30-40 triệu đồng/hécta/vụ.
Khoảng 2-3 năm lại đây, diện tích trồng mía trên địa bàn Đồng Nai tăng nhanh. Năm 2011, dự tính diện tích trồng mía trong tỉnh gần 9 ngàn hécta. Sở dĩ diện tích mía tăng nhanh là do đầu ra ổn định, giá cao, giúp nông dân lời từ 30-40 triệu đồng/hécta/vụ. Yên tâm với đầu ra vì được bao tiêu giá sàn, có lời khá, do vậy nông dân trồng mía tập trung áp dụng kỹ thuật đẩy cao năng suất, tăng lợi nhuận trên cùng diện tích. Vụ mía vừa qua, có nhiều hộ nông dân trong tỉnh đã đưa năng suất mía lên trên 100 tấn/hécta, lãi ròng hơn 60 triệu đồng/hécta/vụ. Đây là mức lãi người trồng mía ít khi dám mơ tới. Một trong những bí quyết đẩy năng suất mía tăng, có chữ đường cao, giảm được chi phí đầu vào là nhờ bóc lá mía.
Theo tính toán của một số nông dân trồng mía, mỗi vụ tiến hành bóc lá mía khoảng 2 lần sẽ tiết kiệm được công làm cỏ, tránh cháy mía vào mùa khô. Bẹ lá khô bị bóc xuống còn giảm được tỷ lệ sâu bệnh nên năng suất, chữ đường tăng cao. Ngoài ra, cứ 1hécta mía bóc lá 2 lần/vụ sẽ được khoảng 10 tấn lá khô rơi xuống dưới ruộng. Lá khô sau một thời gian sẽ phân hủy tạo thành lượng phân hữu cơ khá lớn cho đất, giúp đất thêm tơi xốp và màu mỡ. Do đó, bà con nông dân sẽ giảm được gần 2 triệu đồng tiền phân bón/hécta/vụ và tiết kiệm được gần 1 triệu đồng tiền thuê nhân công làm cỏ cho ruộng mía.
Nói đến bóc lá mía, nhiều hộ cho rằng, hiện nay công lao động khan hiếm, giá lại cao, nếu bày thêm công đoạn để làm sẽ tốn thêm tiền thuê nhân công. Tuy nhiên, việc bóc lá mía chỉ tính tiết kiệm được lượng phân bón khá lớn cũng đã đủ tiền thuê thợ. Bên cạnh đó, năng suất mía có thể tăng thêm vài tấn/hécta/vụ, trữ đường lại cao. Nếu năng suất chỉ cần tăng thêm 2 tấn/hécta, nông dân lãi thêm trên 2 triệu đồng.
Đất đai sau 1-2 vụ trồng trọt thường trở lên chai cằn, rất cần bổ sung thêm nguồn phân hữu cơ để tái tạo lại nguồn dinh dưỡng, tiếp tục nuôi cây. Vì vậy, tận dụng nguồn phế phẩm nông nghiệp từ lá mía làm phân hữu cơ, trả lại cho đất, nông dân sẽ được hưởng nhiều cái lợi cùng lúc. Đây cũng là một trong những yếu tố để phát triển nông nghiệp bền vững.
Người Nông Thôn