Báo Đồng Nai điện tử
En

Thị trường "ảo", thiệt hại "thật"

11:08, 02/08/2019

Sự bùng nổ của internet, điện thoại thông minh cùng các ứng dụng mua hàng, chuyển khoản, thanh toán, giao hàng... trên mạng đã góp phần thay đổi hành vi mua bán truyền thống của rất nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng đô thị và người trẻ.

Sự bùng nổ của internet, điện thoại thông minh cùng các ứng dụng mua hàng, chuyển khoản, thanh toán, giao hàng... trên mạng đã góp phần thay đổi hành vi mua bán truyền thống của rất nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng đô thị và người trẻ.

Không còn xa lạ gì việc một nữ nhân viên văn phòng có thể mua hàng giảm giá từ Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore…, có thể đặt phòng khách sạn ở xa cho kỳ nghỉ cuối tuần hay chuẩn bị một bữa ăn hoàn chỉnh được giao sẵn, còn nóng hổi khi vẫn còn ngồi ở nơi làm việc, hoặc trên xe buýt, hoặc bất cứ đâu có thể kết nối internet.

Về phía người bán, mọi sự cũng rất dễ dàng. Một người chỉ mất 5 phút để đăng ký một tài khoản mạng xã hội phổ biến như: Facebook, Zalo, Instagram và dùng chúng để bán hàng, giao dịch trực tiếp với khách hàng, không cần đăng ký kinh doanh, không cần mặt bằng, hóa đơn, nhân viên, không có sự kiểm soát đầu ra, đầu vào, nhà cung cấp, không nghĩa vụ thuế, phí… Sự dễ dàng này làm nên hiện tượng “người người, nhà nhà lên mạng bán hàng” hiện nay.

Không thể nào phủ nhận sự tiện lợi của thời đại công nghệ mới, song nó cũng có không ít mặt trái mà nguyên nhân lớn nhất nằm ở chỗ các quy định, chế tài quản lý chưa theo kịp với tốc độ phát triển của loại hình mua bán trực tuyến. Thị trường “ảo” nhưng thực chất chỉ “ảo” ở khâu giới thiệu hàng hóa và phương thức mua hàng, còn lại hàng hóa vẫn được chuyển về tay người tiêu dùng để sử dụng. Tuy nhiên, các khâu kiểm soát về hàng gian, hàng giả, xuất xứ, chất lượng, bảo quản, hạn sử dụng… của nhà quản lý gần như không thể bao quát nổi bởi thực tế có đến hàng chục triệu tài khoản có hoạt động mua bán kinh doanh trên mạng.

Hiện các cơ quan như: quản lý thị trường, thuế… đang có những nỗ lực nhằm quản lý tốt và minh bạch hóa các hoạt động kinh doanh trên mạng, song có vẻ những nỗ lực này tạm thời chưa thể tạo nên trật tự và môi trường kinh doanh lành mạnh ngay cho ngành thương mại điện tử. Vậy nên, câu chuyện mua bán trên mạng, xét từ góc độ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì cách hiệu quả nhất vẫn là chính người mua phải cẩn trọng, tìm hiểu thật kỹ thông tin hàng hóa, chọn lựa nhà cung cấp uy tín và ở góc độ trách nhiệm của người tiêu dùng, không nên tiếp tay tiêu thụ hàng giả, hàng gian, hàng trốn thuế. Có như vậy, về lâu dài mới góp phần tạo nên một thị trường minh bạch.    

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều