Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân ta bất kể trong hoàn cảnh nào cũng phải luôn ghi nhớ công ơn to lớn của các thương binh, liệt sĩ và các gia đình có công với cách mạng, với sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân ta bất kể trong hoàn cảnh nào cũng phải luôn ghi nhớ công ơn to lớn của các thương binh, liệt sĩ và các gia đình có công với cách mạng, với sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Ghi nhớ lời dạy của Người, những năm qua, công tác chăm lo cho thương binh, gia đình người có công với cách mạng luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nhiều chế độ, chính sách ra đời, thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế, hướng đến mục tiêu tất cả đối tượng chính sách đều được chăm lo một cách chu đáo, có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Đặc biệt, công tác quy tập, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, xác minh, công nhận hồ sơ liệt sĩ, thương binh được triển khai khẩn trương, nghiêm túc nhằm giải quyết nhanh chóng, giúp xoa dịu nỗi đau của người có công và gia đình người có công khi chiến tranh đã lùi xa.
Không chỉ đến tháng 7 - tháng tri ân những anh hùng liệt sĩ, những thương binh, bệnh binh, người có công, các hoạt động chăm lo mới được tổ chức mà đây đã là việc làm thường xuyên, liên tục. Ngoài chế độ của Nhà nước, ở mỗi địa phương lại có cách làm khác nhau để thể hiện tấm lòng biết ơn đối với những đóng góp lớn lao của biết bao thương binh - liệt sĩ, người có công. Nhiều đơn vị, cá nhân còn đứng ra nhận phụng dưỡng suốt đời bà mẹ Việt Nam anh hùng; hỗ trợ tiền, quà cho gia đình thương binh - liệt sĩ, người có công và gia đình người có công.
Có nơi, như tại Đồng Nai, bên cạnh việc triển khai chế độ chăm lo cho người có công và gia đình người có công một cách thiết thực, hiệu quả như: cho vay vốn, xây, sửa chữa nhà cửa còn thường xuyên duy trì những việc làm tưởng nhỏ nhưng mang nhiều ý nghĩa như: cử cán bộ, đoàn viên tới thăm nom, quét dọn nhà cửa, chuyện trò cùng các bà mẹ Việt Nam anh hùng, dự đám giỗ cùng gia đình liệt sĩ… Tất cả những việc làm ấy đều xuất phát từ lòng biết ơn, tình cảm chân thành muốn sẻ chia, làm vơi đi nỗi đau, sự mất mát mà người có công và gia đình người có công từng gánh chịu.
Theo Bộ Lao động - thương binh và xã hội, đến nay 98,5% số gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận thương binh, bệnh binh và gia đình người có công cuộc sống còn khó khăn, nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Vẫn còn những người, những gia đình người có công vì nhiều lý do khác nhau chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi...
Chính vì thế, phát biểu tại buổi gặp gỡ, tuyên dương những thương binh nặng tiêu biểu nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đó là những điều day dứt trong lòng người thân và trong mỗi chúng ta. Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi người có công và coi đây là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội.
Minh Ngọc