Từ đầu năm 2018, đã bắt đầu nhen nhóm nhiều cảnh báo về việc Hải quan Trung Quốc có các động thái kiểm tra, siết chặt chất lượng, sự an toàn, xuất xứ… của nông sản nói chung và trái cây nói riêng khi nhập khẩu vào Trung Quốc.
Từ đầu năm 2018, đã bắt đầu nhen nhóm nhiều cảnh báo về việc Hải quan Trung Quốc có các động thái kiểm tra, siết chặt chất lượng, sự an toàn, xuất xứ… của nông sản nói chung và trái cây nói riêng khi nhập khẩu vào Trung Quốc.
Quốc gia có gần 1,4 tỷ người tiêu dùng này đang tìm cách kiểm soát chất lượng nông sản nhập khẩu nói chung chứ không riêng gì từ Việt Nam. Và những cảnh báo cũng được thông tin rộng rãi, tiến độ thực thi các điều kiện thông quan cũng được áp dụng dần dần từ đầu năm 2018 chứ không phải đột ngột “gây sốc” cho thị trường.
Và nông dân, doanh nghiệp Việt Nam không phải hoàn toàn không ý thức gì về điều này, trái lại khá nhiều người đã sớm biết thị trường Trung Quốc sẽ không “dễ tính” mãi.
Tuy nhiên, từ “biết” đến “làm” trong thực tế có vẻ vẫn còn nhiều khoảng cách khó vượt qua trong một thời gian ngắn, cho nên khi Trung Quốc quyết định mạnh tay áp dụng các điều kiện khắt khe hơn về thông quan từ đầu tháng 5-2019 thì nhiều người trở tay không kịp. Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản phải nhanh chóng gửi công văn tới Cục Bảo vệ thực vật và Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhấn mạnh từ tháng 5, Hải quan Trung Quốc sẽ thực hiện thêm một số quy định mới đối với một số loại trái cây nhập khẩu từ Việt Nam gồm: dưa hấu, mít, chuối. Đây là 3 loại trái cây có sản lượng rất lớn của Việt Nam và phần lớn trong số đó xuất khẩu sang Trung Quốc. Vậy nên bất kỳ một động thái nào dù nhỏ nhất về phía các thủ tục thông quan cũng sẽ tác động lớn đến những mặt hàng này.
Một điều khác cần chú ý là Trung Quốc từ lâu cũng đã thắt chặt nhập khẩu tiểu ngạch, tăng chính ngạch và đề ra yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, cấp giấy phép nhập khẩu, cấp chứng thư xuất khẩu và kiểm tra chất lượng tại nước xuất khẩu…
Tất cả những điều này chỉ hướng đến một nội dung: từ nay về sau, muốn xuất khẩu số lượng nhiều sang Trung Quốc, nông sản nói chung và trái cây Việt Nam nói riêng cần đảm bảo an toàn, chất lượng, xuất xứ và về lâu dài phải chuyển sang xuất khẩu chính ngạch chứ không phải dựa vào tiểu ngạch như hiện nay. Một thực tế là không chỉ Việt Nam muốn xuất khẩu sang Trung Quốc, mà nhiều nước khác cũng “nhắm” đến thị trường rộng lớn này, do đó nếu không sớm chuẩn hóa, rõ ràng nông sản Việt Nam sẽ sớm mất hết lợi thế cạnh tranh. Vậy nên, không quá sớm để cho rằng “thời” của những lô hàng xuất khẩu chỉ nhắm đến các thị trường “dễ tính” sẽ qua nhanh.
Vi Lâm