Tiêu, điều, cà phê, cao su... một thời là những "cây trồng triệu USD", là niềm tự hào của Đồng Nai và đã giúp tỉnh trở thành một trong những thủ phủ cây công nghiệp vang danh cả nước.
Tiêu, điều, cà phê, cao su... một thời là những “cây trồng triệu USD”, là niềm tự hào của Đồng Nai và đã giúp tỉnh trở thành một trong những thủ phủ cây công nghiệp vang danh cả nước. Những rẫy tiêu, điều, những vườn cao su bạt ngàn từng đem lại cuộc sống khá giả cho nhiều người dân suốt một thời gian dài nay đang dần biến mất.
Sau mấy năm “cầm cự” do giá bán tiêu, điều, cao su tuột dốc, nhiều người chọn cách chặt bỏ dần những vườn cây mà họ bỏ bao tiền của, công sức gầy dựng nhiều năm bởi thu không đủ bù chi.
Không ai muốn chặt cây hay bỏ vườn hoang xơ xác, song cũng không ai có thể chịu cảnh “càng trồng, càng lỗ”. Vậy nên nông dân chấp nhận năm này qua năm nọ hết chặt chuối trồng tiêu lại đến chặt tiêu trồng thanh long. Muốn hay không muốn thì thực tế cũng đặt họ vào thế phải lựa chọn khó khăn đó.
Rất nhiều phân tích đã chỉ ra nguyên nhân của lối làm nông nghiệp luẩn quẩn và manh mún “hết trồng lại chặt”, song nếu chỉ xét trên phương diện thông tin thị trường, có lẽ “lỗi” không chỉ thuộc về nông dân. Hiện tại, hệ thống thông tin dự báo về thị trường tiêu thụ cho những loại nông sản xuất khẩu chủ chốt hầu như chưa được công bố và cập nhật kịp thời theo mùa vụ. Nông dân chỉ nắm sơ sài nhu cầu, giá cả, xu hướng thị trường qua “kênh” thương lái. Do đó, họ liên tục vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt khi vào mùa: hạt điều từ vùng sản xuất này cạnh tranh với vùng sản xuất khác, hồ tiêu và cà phê của nước này cạnh tranh với nước khác. Nếu cung thừa, cầu thiếu thì hàng rớt giá, thương lái thậm chí không buồn mua gom với giá rẻ, nếu cung thiếu thì nông dân lại thi nhau mở rộng diện tích mà không biết sự thiếu hụt này là lâu dài hay ngắn hạn và liệu có nên đầu tư mở rộng hay không.
Trước mắt, điều cần nhất có lẽ là hệ thống thông tin thị trường tiêu thụ các loại nông sản chính: tiêu, điều, cao su, cà phê, trái cây, lúa gạo… phải được công bố rộng rãi và cập nhật kịp thời, kể cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Chẳng hạn, hồ tiêu năm 2020 sẽ phải cạnh tranh với hồ tiêu từ Ấn Độ, Trung Quốc vì các quốc gia này đã tăng diện tích và tăng năng suất ở mức bao nhiêu… Từ đó, cả doanh nghiệp và nông dân có thể phán đoán, lượng sức để có những đầu tư phù hợp tình hình, thay vì tiếp tục đầu tư trong sự mù mờ về thị trường và nhu cầu tiêu thụ của từng năm.
Có rất nhiều điều phải làm để nông dân Việt Nam tránh bớt những “mùa vụ đắng” dẫn đến chặt cây, phá vườn chạy theo cây trồng khác như: áp dụng công nghệ, tăng năng suất, sản xuất theo chuẩn, mở rộng thị trường xuất khẩu…, song thông tin chính xác, kịp thời về nhu cầu tiêu thụ, đối thủ cạnh tranh, phán đoán về giá cả và xu hướng… là điều có thể làm sớm, làm nhanh.
Vi Lâm