Hình ảnh nữ sinh lớp 9 ở Hưng Yên bị bạn lột trần, đánh đấm túi bụi ngay trong lớp học rồi thản nhiên quay clip đăng tải lên mạng xã hội vừa qua một lần nữa làm dậy sóng dư luận cả nước.
Hình ảnh nữ sinh lớp 9 ở Hưng Yên bị bạn lột trần, đánh đấm túi bụi ngay trong lớp học rồi thản nhiên quay clip đăng tải lên mạng xã hội vừa qua một lần nữa làm dậy sóng dư luận cả nước. Dù không phải là vụ bạo lực học đường đầu tiên xảy ra, nhưng chưa bao giờ môi trường học đường lại bộc lộ sự thiếu an toàn như hiện nay khi tình trạng bạo lực xuất hiện ngày một nhiều với diễn biến phức tạp, gây nhiều bức xúc.
Ít ai có thể ngờ những khuôn mặt non tơ mới học lớp 8, lớp 9 chỉ vì để giải quyết mâu thuẫn cá nhân mà nguyên nhân đôi khi chỉ vì “con ấy”, “thằng ấy” nhìn đểu, thách thức mình sẵn sàng đánh bạn, không đơn giản là “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” mà còn bằng hung khí dẫn đến chết người. Đáng buồn hơn, hành động này nhiều khi được đám đông hùa theo, tán thưởng, không những không đứng ra can ngăn mà còn cổ vũ, thậm chí xem đó là “chiến tích”, vô tư quay clip rồi đăng tải lên mạng xã hội.
Bạo lực học đường xảy ra không chỉ giữa học sinh với học sinh mà thủ phạm ở nhiều vụ việc đáng lên án chính là những giáo viên khi bạo hành học trò bằng đòn roi hay buông lời xúc phạm nặng nề, thậm chí là xâm phạm tình dục. Đã có những vụ việc gây rúng động xảy ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh người thầy, khiến dư luận phải đặt ra câu hỏi: chuyện gì đang xảy ra trong môi trường giáo dục và phải làm sao để môi trường này thực sự an toàn?.
Tìm câu trả lời cho câu hỏi trên không khó. Thế nhưng cái khó hiện nay vẫn là đang thiếu một cơ chế phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Lỗi từ phía gia đình là thiếu gần gũi, sâu sát và rèn luyện cho con những kỹ năng sống cần thiết khi gặp sự cố trong giao tiếp, ứng xử. Phía nhà trường rõ ràng vẫn còn những khoảng trống trong giáo dục học sinh lẫn quản lý giáo viên dẫn đến những kẻ hở để học sinh dễ dàng tự giải quyết mâu thuẫn cá nhân, giáo viên hành xử kiểu “giang hồ” với chính học trò của mình. Đáng buồn là việc xử lý những vụ việc này vẫn chưa thỏa đáng, có nơi còn bao che, dung túng gây bức xúc dư luận…
Ngăn chặn bạo lực học đường thuộc trách nhiệm từ nhiều phía nhưng một trong những giải pháp được đánh giá hiệu quả vẫn là tăng cường giáo dục kỹ năng cho học sinh và giáo viên trong nhà trường. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm những vụ bạo lực học đường để có tác dụng răn đe, đồng thời lập lại kỷ cương trong môi trường giáo dục. Không thể để dư luận tiếp tục phẫn nộ bởi những vụ việc tương tự như nữ sinh bị đánh hội đồng hay thầy giáo sàm sỡ học sinh…
Minh Ngọc