Năm 2013 ngay sau khi có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, lãnh đạo Đồng Nai đã đề cập tới cụm từ "hậu nông thôn mới". Những đổi thay tốt đẹp diễn ra trên thực tiễn xây dựng nông thôn ở 15 xã đầu tiên đặt ra câu hỏi "Sau nông thôn mới sẽ là gì ?" bởi những tiêu chí đề ra dù có khắt khe đến đâu cũng sẽ nhanh chóng lạc hậu trước những gì đang diễn ra quá nhanh khi Việt Nam bước vào hội nhập ngày càng sâu sắc.
Năm 2013 ngay sau khi có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, lãnh đạo Đồng Nai đã đề cập tới cụm từ “hậu nông thôn mới”. Những đổi thay tốt đẹp diễn ra trên thực tiễn xây dựng nông thôn ở 15 xã đầu tiên đặt ra câu hỏi “Sau nông thôn mới sẽ là gì ?” bởi những tiêu chí đề ra dù có khắt khe đến đâu cũng sẽ nhanh chóng lạc hậu trước những gì đang diễn ra quá nhanh khi Việt Nam bước vào hội nhập ngày càng sâu sắc.
Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao của tỉnh Đồng Nai đã qua 4 lần bổ sung, điều chỉnh, hiện bộ tiêu chí gồm: 19 tiêu chí và 53 chỉ tiêu, trong đó 23 chỉ tiêu có yêu cầu ở mức độ cao hơn và bổ sung 30 chỉ tiêu nhằm đáp ứng với thực tiễn đặt ra về yêu cầu phát triển nông thôn toàn diện, bền vững.
Bước đầu, Đồng Nai đã có 26 xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao với những tiến bộ “tai nghe mắt thấy”: giao thông nông thôn xuất hiện những tuyến đường kiên cố; hệ thống trường học được tiếp tục nâng cao từ đạt chuẩn cơ sở vật chất đến đạt chuẩn quốc gia; các trạm y tế được đầu tư cả về trang thiết bị và nâng cao chất lượng khám và điều trị ban đầu (hiện 100% trạm y tế xã đều có bác sĩ phục vụ); có nhiều mô hình hoạt động hiệu quả tự quản về an ninh trật tự trong khu dân cư (tiếng kẻng an ninh, camera an ninh, Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự...)
Đáng kể nhất là xây dựng nông thôn mới đã làm xuất hiện những “cánh đồng tiền tỷ” với nhiều mô hình sản xuất công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Chẳng hạn, nông dân áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong cây bưởi có thể thu từ 1,2-2 tỷ đồng/hécta; cam quýt từ 800 triệu-1,2 tỷ đồng/hécta, nuôi tôm công nghệ cao từ 2,5 tỷ-3 tỷ đồng/hécta... Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 52,63 triệu đồng/người, tăng hơn 2,1 lần so với thời kỳ đầu xây dựng nông thôn mới.
Thật ra, đích đến cao nhất của phong trào xây dựng nông thôn mới hay những phong trào “hậu nông thôn mới” dù có tên gọi nào thì cũng đều nhắm đến việc nâng cao đời sống nông dân, từng bước, từng bước một đi từ ổn định đến khá giả, giàu có, văn minh và hiện đại.
Sau cột mốc này sẽ là cột mốc khác, cao hơn và khó hơn. Áp lực lớn nhất của các địa phương nói chung và Đồng Nai nói riêng có lẽ nằm ở chỗ sẽ không có “điểm dừng” trong xây dựng nông thôn mới, không có “điểm dừng” trên con đường nâng cao đời sống nông dân.
Vi Lâm