"Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt" là 5 yêu cầu (gọi tắt là 5 không) mà Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh trong buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn và các bộ, ngành Trung ương về diễn biến và các giải pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi vào sáng 28-2.
“Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt" là 5 yêu cầu (gọi tắt là 5 không) mà Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh trong buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn và các bộ, ngành Trung ương về diễn biến và các giải pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi vào sáng 28-2.
Là một loại dịch bệnh do virus gây ra trên heo, có xuất xứ từ châu Phi và hiện chưa có vaccine cũng như chưa có thuốc đặc trị, dịch tả heo châu Phi sẽ làm 100% heo bệnh bị chết và có tốc độ lây lan nhanh. Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn dẫn thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE) cho biết, đến ngày 26-2-2019, đã có trên 20 quốc gia báo cáo bị xâm nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi và tổng cộng đã có hơn 1 triệu con heo buộc phải tiêu hủy. Báo cáo cập nhật của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn cũng cho biết, từ đầu tháng 2 đến hết ngày 27-2, dịch bệnh đã xảy ra tại 96 hộ, 33 thôn, 20 xã, 13 huyện của 6 tỉnh, thành phía Bắc. Tổng số heo bị mắc bệnh và tiêu hủy là 2.349 con.
Giá heo hơi tại các tỉnh miền Bắc liên tục giảm mạnh trong vài tuần qua, kể từ khi bắt đầu có thông tin về dịch bệnh. Sự chênh lệch về giá khiến nhiều người lo ngại heo từ phía Bắc sẽ tràn vào phía Nam tiêu thụ, mang theo nguy cơ lây lan dịch bệnh. Với tổng đàn heo lớn vào loại nhất nhì trong cả nước và được mệnh danh là thủ phủ nuôi heo, Đồng Nai đã nhanh chóng có những phản ứng kịp thời, trong đó quan trọng nhất là lập thêm các chốt kiểm dịch tạm thời hoạt động ngày đêm để kịp thời chặn đứng heo bệnh di chuyển vào tỉnh. Thêm vào đó là các biện pháp khác như: tuyên truyền, hướng dẫn, tham mưu thành lập các tổ phản ứng nhanh về dịch bệnh tại các địa phương có đàn heo lớn…
Dự kiến hội nghị trực tuyến cả nước về phòng, chống và phản ứng với dịch tả heo châu Phi sẽ được Chính phủ tổ chức vào ngày 4-3 để kịp thời ứng phó, không để dịch lan rộng và gây thiệt hại lớn đến ngành chăn nuôi. Để làm được điều này, đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ từ cơ quan chức năng đến từng hộ chăn nuôi, không vì lợi ích trước mắt mà giấu dịch, vận chuyển, tiêu thụ… heo bệnh bởi hậu quả là vô cùng lớn nếu dịch bệnh lan rộng.
Dịch tả heo châu Phi hiện vẫn được xác định là không lây lan sang người, song nếu không được kiểm soát, người tiêu dùng có thể lo ngại heo bệnh bị tung ra thị trường và quay lưng với thịt heo, đẩy người chăn nuôi vào thế khó giữa bối cảnh ngành chăn nuôi trong nước đang vất vả cạnh tranh và tồn tại. Vậy nên thực hiện đúng “5 không” mà Phó thủ tướng yêu cầu là trách nhiệm của từng người, từ người chăn nuôi đến thương lái, từ người giết mổ đến người bán và kể cả người tiêu dùng trong việc chọn tiêu thụ thịt có nguồn gốc minh bạch và dấu kiểm dịch rõ ràng.
Vi Lâm